Dù chưa hết tháng Ngâu, thời tiết vẫn sụt sùi với những cơn mưa trong phạm vi ảnh hưởng của cơn bão số 3 mang tên Maon, nhưng trên đường Cầu Đất, cụ thể là trước khu vực nhà bánh Đ.P vẫn đông chặt người xếp hàng chờ đến lượt mua. Cảnh tượng này diễn ra thường niên trong nhiều năm, khiến tuyến đường này luôn bị ùn tắc vào dịp Trung thu.
Câu chuyện được chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cũng như các kênh dư luận khác, thu hút khá đông người với những lời bình luận sôi nổi, kẻ khen, người chê, thực sự là sự kiện xã hội đáng quan tâm của mỗi mùa Trung thu…
Vì sao lại phải là bánh Đ.P? Có người cho rằng vì bánh của hiệu này ngon, đúng hương vị truyền thống? Nhưng điều này chưa hẳn đúng, bởi cùng ở phố Cầu Đất, có rất nhiều thương hiệu bánh khác có truyền thống lâu đời hơn, thậm chí là ngon hơn nhưng vẫn vắng khách mua. Vả lại, nhà bánh Đ.P mở cửa quanh năm, nếu chỉ vì để thưởng thức thì tại sao ngày thường không nhiều người đến mua để ăn mà cứ phải đợi đến Trung thu?
Có quan điểm lý giải rằng, vấn đề là do thương hiệu bánh Đ.P quá nổi tiếng, người mua đem tặng, cho, biếu hay thắp hương tiên tổ đều muốn món quà của mình tăng thêm giá trị. Cũng liên quan đến thương hiệu, lại có ý kiến cho rằng, vì nhu cầu của người tiêu dùng, nên việc chen lấn để mua bánh một phần do các “cò” tạo ra, vừa để tăng độ thu hút, vừa tranh thủ “phe” bánh bán lại để kiếm chút chênh lệch.
Hơn nữa, thời gian gần đây thương hiệu bánh Trung thu Đ.P còn lan tỏa sang các địa phương khác, người mua không chỉ để thưởng thức, cho, biếu, tặng… mà còn có cả yếu tố thương mại. Câu chuyện không chỉ một hoặc hai mùa vụ, mà đã kéo dài qua nhiều năm, thực sự trở thành “văn hóa bánh Trung thu”, nhưng dường như chỉ đối với thương hiệu Đ.P.
Đ.P cũng đang thực hiện quyền bình đẳng kinh doanh như hàng chục nhà bánh tương tự trên đường Cầu Đất. Xét về góc độ thương mại, cần phải khẳng định đây là một hiện tượng về thương hiệu, trong bối cảnh nền kinh tế đang ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19.
Hoàng Minh