Print Thứ Ba, 07/01/2020 14:52 Gốc

Thời điểm trước Tết Nguyên đán, để kiểm soát, ổn định thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thường chỉ phát hành một lượng tiền mệnh giá nhỏ nhất định để phục vụ cho việc lì xì đầu năm cũng như đi lễ cầu may của người dân. Tuy nhiên nhiều năm qua, tình trạng rải tiền công đức mệnh giá thấp tràn lan không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh đồng tiền và nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Chính sự hạn chế phát hành tiền mệnh giá nhỏ trong khi nhu cầu của người dân dịp đầu năm cao nên làm nảy sinh sự nở rộ của dịch vụ đổi tiền với mức chênh lệch khá cao, làm rối thị trường tiền tệ. Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên và siết chặt quản lý hoạt động này, từ năm 2013, Ngân hàng nhà nước có chủ trương hạn chế in tiền mới mệnh giá nhỏ vào các dịp đầu năm mới.

Cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 48/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật. Dịp Tết Nguyên đán 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 34 yêu cầu phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 cũng đã quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với mức phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với hành vi đổi tiền không đúng quy định. Và mới đây nhất, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú lại một lần khẳng định, dịp Tết 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ không phát hành tiền lẻ, mệnh giá 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng. “Kể từ năm 2013 đến nay, ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được 2.590 tỉ đồng khi thực hiện chủ trương không phát hành tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống qua lưu thông trong dịp tháng 12 và tháng Giêng”.

Như vậy có thể thấy, để ổn định thị trường tiền tệ, nhà nước đã liên tục duy trì chủ trương nhất quán từ nhiều năm nay, đồng thời chế tài pháp luật cũng đã quy định rất rõ mức xử phạt mang tính răn đe cao. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần ngọn, muốn giải quyết triệt để nhu cầu tăng đột biến tiền lẻ vào các dịp đầu năm vẫn chính là nâng cao ý thức của người dân. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường vận động, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích để hạn chế những tiêu cực liên quan phát sinh. Đồng thời qua đó góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam cũng như tiết kiệm chi phí xã hội.

BH

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc: Tiết kiệm và văn minh
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác