Print Thứ bảy, 13/01/2024 17:30 Gốc

Dư luận người dân tới giờ vẫn nhớ rõ về vụ ngộ độc Pate Minh Chay năm 2020. Một số bệnh nhân đã bị liệt cơ, yếu cơ, sụp mí, tứ chi yếu, khó thở… sau khi sử dụng sản phẩm này.

Đáng sợ hơn khi kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm Pate Minh Chay ở các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum type B. Đây là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Đây có thể coi là trường hợp hy hữu lớn nhất từ trước nay. Mấy ai biết được những sản phẩm chay tưởng vô cùng an toàn và nhiều người vẫn tin dùng, cho rằng có lợi cho sức khỏe lại là một thứ độc dược có thể gây chết người. Đã có một số vụ ngộ độc thực phẩm liên quan tới hàng trăm người ăn món chay bị nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép. Các món này gồm: Nem chay, mì căn, đậu khuôn chiên, cá kho chay, sườn xá xíu, chả chay kho, mì căn xào thịt bò, chả phù chúc, nui xào. Các vi sinh vật có trong thức ăn vượt mức cho phép và gây ngộ độc là: Bacillus cereus, Escherichia coli, Staphylococus aureus.

Những sự việc trên đã thực sự gióng lên hồi chuông báo động về thực phẩm chay. Những năm gần đây, cũng do lo ngại về an toàn thực phẩm mà hàng triệu người dân Hải Phòng và Việt Nam đã chuyển sang ăn chay với mong muốn giữ gìn và bảo vệ sức khỏe. Ai dè tới bây giờ mới vỡ lẽ, thực phẩm chay bẩn còn nguy hại hơn cả “đồ mặn”.

Kiểm chứng lại mới thấy, chưa bao giờ các cửa hàng bán đồ chay, kể cả thực phẩm chay và nhà hàng chay lại mọc lên nhiều đến thế tại Hải Phòng cũng như trên địa bàn cả nước. Cứ nghĩ đồ chay rất lành, rất sạch, chủ yếu được chế biến từ rau, củ, quả, đậu tương, đậu hũ là chính mà sao lại nguy hiểm tới vậy. Cũng ngẫm lại mới thấy trong nhiều năm qua, dường như các cơ quan chức năng mới chỉ quan tâm kiểm tra, kiểm soát, giám sát về thực phẩm “mặn” là chính mà ít khi để ý tới các cơ sở kinh doanh đồ chay. Cứ thử vào một cửa hàng bán nguyên liệu chay đóng gói thì thấy, rất nhiều thực phẩm chay được bao gói trong các bao bì cũ nát, không rõ hạn sử dụng, không rõ tiêu chuẩn chất lượng, cơ sở sản xuất… Thậm chí còn có sự nhập nhèm giữa hàng nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc về mà người tiêu dùng không thể nào đoán định chất lượng bằng mắt thường được.

Ngày càng có nhiều người chuộng đồ chay.

Cũng vì lòng tin ăn đồ chay là sạch nên người tiêu dùng cứ vô tư mua về chế biến hoặc tới các cửa hàng ăn uống chuyên về đồ chay, thoải mái lựa chọn các món “khoái khẩu” mà không lo bị tăng cân, thừa chất. Nhiều gia đình tại Hải Phòng bây giờ còn có xu hướng cũng giỗ bằng đồ chay. Mỗi mâm cỗ chay có giá trung bình khoảng 300.000-500.000 đồng nhưng cũng có mâm cỗ lên tới cả triệu đồng. Tại nhiều quán chay, giá không hề rẻ. Nếu gọi những món chế biến cầu kỳ, có thể lên tới 300.000-350.000 đồng/suất, không thua kém món mặn. Nói như thế để thấy rằng kinh doanh đồ chay có mức lợi nhuận không nhỏ nhưng lại ít bị để ý, kiểm soát, thậm chí có thể nói là lơ là, mất cảnh giác. Vì thế mới xảy ra các vụ ngộ độc đặc biệt nghiêm trọng như trên.

Sau sự việc này, chắc chắn mỗi người tiêu dùng đã rút ra những bài học sống còn cho mình khi sử dụng thực phẩm, dù là đồ mặn hay là đồ chay. Nhưng ở đây còn liên quan tới trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Câu hỏi tới bao giờ người dân yên tâm khi ăn, uống thì vẫn còn bỏ ngỏ. Có nhiều lý do, có nhiều nguyên nhân nhưng theo ý kiến của đại đa số người tiêu dùng thì biện pháp mấu chốt nhất chính là kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm, cả đồ mặn và đồ chay. Vấn đề này có thể khó, có thể nan giải nhưng nếu không bắt đầu với các biện pháp, giải pháp đồng bộ thì sự lo ngại của người dân vẫn còn dài dài./.

Hồng Thanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc: Thực phẩm chay “bẩn”, nỗi lo lớn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác