Theo tin từ tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan chức năng của tỉnh đang vào cuộc, xác minh rõ nội dung báo chí phán ánh việc chùa Ba Vàng (Uông Bí – Quảng Ninh) truyền bá vong báo oán, mỗi năm thu trăm tỷ đồng.
Chùa Ba Vàng (ảnh minh họa)
Theo đó, trong một bài viết được đăng bài mang tự đề “Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ”, phản ánh tại chùa Ba Vàng hàng tháng không chỉ diễn ra khóa tu “Bát quan trai giới”, còn là ngày nhà chùa tổ chức thỉnh vong giải nghiệp cho những người có nhu cầu. Đã thành lịch cố định, lễ thỉnh vong giải nghiệp thu hút hàng nghìn người tham dự/đợt. Mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải là bởi oán hồn gây ra, muốn thoát nạn thì buộc phải “trả nợ” hàng triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa?
Thực tế cho thấy, cùng với chính sách mở cửa kinh tế, thời gian qua ở Việt Nam chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng hết sức thông thoáng, mọi người dân đều có quyền thể hiện ước nguyện của mình. Đây là nét ưu việt của Pháp luật Việt Nam, tuy nhiên bên cạnh đó việc lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi cũng để lại không ít hệ lụy. Có thể thấy ở rất nhiều nơi, việc đầu tư xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo đang trở thành một trào lưu phổ biến, nghĩa là các tụ điểm không còn là nơi thờ thuần túy, mà mang nhiều mục đích kinh doanh “buôn thần bán thánh”.
Vào dịp đầu năm Kỷ Hợi 2019 vừa qua, báo chí cũng đã có một cuộc “đại phẫu” về hiện tượng “dâng sao, giải hạn”. Trong đó phản ánh tình trạng nhiều người dân tìm đến các chùa, đền, phủ, điện, để làm lễ dâng sao, giải hạn. Nhiều trường hợp chi hàng trăm triệu để lập đàn, thậm chí đốt cả tấn vàng mã mong hóa giải vận hạn khi lỡ vướng vào sao xấu, hoặc nhằm cầu nguyện cho nhiều điều như thỉnh cầu. Về vấn đề này, trong một số bài phỏng vấn báo chí, nhiều nhà tu hành đã nêu rõ quan điểm: “Giáo lý nhà Phật không định ra sao xấu, sao tốt, ngày xấu, ngày tốt…”. Đáng tiếc là trên thực tế, những vụ tương tự vẫn diễn ra, ngoài ở một số điểm tín ngưỡng, tôn giáo, việc các thày mặc áo tu hành đến những nhà có nhu cầu, thực hiện cúng bái cũng không còn là chuyện hiếm.
Mới thấy, câu chuyện ở chùa Ba Vàng không phải là cá biệt. Thiết nghĩ, đã đến lúc lực lựng chức năng cần có những động thái cần thiết, điều chỉnh trên phạm vi cả nước, trả lại sự thuần khiết cho tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều quan trọng là thượng tôn pháp luật, để chính sách ưu việt của Nhà nước ta thực sự đi vào quỹ đạo, phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển văn minh và bền vững.
Hoàng Minh