Cùng với cái nắng nóng của những ngày đầu tháng 7 thì cả lãnh đạo và người dân của hai thành phố là Hà Nội, Đà Năng còn “nóng” về việc người dân chặn không cho xe chở rác vào khu chôn lấp rác tập trung.
Đó là khu xử lý chất thải Nam Sơn tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội và bãi rác Khánh Sơn tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Đây là hai bãi rác có quy mô lớn, tiếp nhận từ 1.000 đến 4.000 tấn rác/ngày, do vậy khi người chặn xe thì hai thành phố trên đã ùn ứ một lượng rác lớn, gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.
Tại khu xử lý chất thải Nam Sơn, người dân kiến nghị về việc bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi bán kính 500m. Nguyên nhân do môi trường nước, không khí đều ô nhiễm, người dân ở đây đã mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư, bệnh ngoài da… Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước tưới ô nhiễm.
Đối với bãi rác Khánh Sơn, hơn 100 hộ dân khẩn cầu các cấp chính quyền địa phương được… hít thở không khí trong lành như bao người dân bình thường khác!
Như vậy có thể thấy những bức xúc của người dân về ô nhiễm từ các khu vực chôn lấp, xử lý rác thải đã đến cực điểm.
Thẳng thắn nhìn nhận, những quy định về khoảng cách của các bãi rác với khu dân cư gần nhất đã có, quy trình về chôn lấp, xử lý nước rỉ rác, mùi đảm bảo vệ sinh cũng đã có, song các đơn vị chức năng đã xem nhẹ sức khoẻ của người dân.
Một thực tế là, hàng trăm hộ dân nói trên đã sống chung với ô nhiễm từ bãi rác hàng chục năm nay và họ cũng bày tỏ nguyện vọng để thế hệ con cháu không còn phải chịu cảnh như vậy.
Thông tin mới nhất, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo huyện Sóc Sơn khẩn trương thực hiện các thủ tục về bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân tại các vị trí cách xa từ 1.300 đến 3.000m so với khu xử lý chất thải Nam Sơn.
Còn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng cam kết khi người dân chưa đồng thuận thì chưa tiến hành xây dựng nhà máy xử lý chất thải tại bãi rác Khánh Sơn. Đồng thời sẽ lựa chọn và công khai trước các hộ dân công nghệ xử lý rác hiện đại, đảm bảo môi trường.
Câu chuyện người dân bức xúc như trên cũng là do tình trạng ô nhiễm tại các khu xử lý, bãi rác thải tập trung là có thật, kéo dài nhiều năm. Để người dân tin tưởng, ủng hộ các chủ trương không còn cách nào khác là chính quyền và các đơn vị chức năng trong lĩnh vực xử lý môi trường phải nói đúng, làm thật, đặt sức khoẻ, sinh mệnh của người dân lên hàng đầu!
Kim Oanh