Thời điểm chúng tôi thực hiện bài báo này, miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Theo một báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã làm 3 người chết, 4 người mất tích.
Về nhà ở, có 15.281 nhà bị ngập thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, trong đó nhiều vùng ngập sâu khiến người dân phải sơ tán. Về nông nghiệp, ước tính 12.574ha lúa và cây rau màu, cây công nghiệp bị ảnh hưởng, còn rất ít khả năng thu hồi sản phẩm.
Điều hết sức đáng chú ý nữa là, trong lúc học sinh cả nước tưng bừng vào năm học mới, thì tại vùng lũ lụt có tới 928 trường học không thể tổ chức khai giảng đón học sinh tới trường. “Khúc ruột miền Trung” đang quặn đau, nỗi đau mang tính chiều dài lịch sử tái diễn theo từng năm.
Và theo thông lệ, hệ lụy của lũ lụt miền Trung sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế, xã hội cả nước, với vị thế là cầu nối của 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Theo đánh giá, mỗi lần miền Trung gặp thiên tai nặng nề, thì không chỉ một nguồn cung lớn về nông sản thực phẩm từ đây bị đình trệ, đồng thời lưu thông dọc đất nước bị đứt quãng, mà nguồn cung hàng hóa các vùng miền khác trong cả nước cũng phải dồn lực tiếp ứng.
Trong khi đó, việc phục hồi ổn định cuộc sống cũng như sản xuất của bà con vùng lũ cũng đòi hỏi thời gian dài, kết hợp với nguồn lực tái tạo lớn. Tựu chung, nỗi đau của miền Trung chính là nỗi niềm của cả nước,
Và cũng theo thông lệ, mỗi lần miền Trung gặp nạn là cả nước lại dấy lên phòng trào cứu trợ. Đây là những hành động tích cực mang đầy tính nhân văn “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Tuy nhiên, kinh nghiệm những năm gần đây cho thấy, phong trào cứu trợ ngày càng mang nhiều tính tự phát, tổ chức manh mún, thoát li khỏi hệ thống chung.
Mặc nhiên những người trong cuộc vẫn tưởng rằng mình đang làm những việc nhân đạo, nhưng bên cạnh đa số tích cực ấy, sẽ dẫn đến hệ lụy khác là việc phân bổ hỗ trợ thiếu đồng đều. Bản thân một lượng lớn người và phương tiện đổ về miền Trung sẽ tác động đến giao thông, sinh hoạt, điều hành xã hội, cân đối cung cầu thị trường… của vùng lũ.
Thậm chí, thực tiễn cho thấy, có không ít động cơ vụ lợi chính trị, đánh bóng thương hiệu, quảng bá hàng hóa bị lợi dụng gắn với các hoạt động nhân đạo xã hội.
Mới thấy, miền Trung đang rất cần sự chung tay của cả nước. Những ngày tới việc hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai rất có thể sẽ khởi động mạnh mẽ như mọi năm.
Hy vọng rằng, hoạt động này cần thực sự đi vào nền nếp tổ chức, có sự kết hợp hài hòa giữa các cấp chính quyền, các nhà quản lý, các tổ chức và nhà hoạt động xã hội, cũng như những tấm lòng hảo tâm… để đạt được hiệu quả cao nhất.
Hoàng Minh