Print Thứ ba, 29/11/2022 19:00 Gốc

Một buổi sáng đẹp trời trên đường Lạch Tray, đoạn trước cổng trường Đại học hàng hải, một phụ nữ trạc 60 tuổi đi xe điện ngược chiều va vào một nữ sinh viên đi xe máy. Cú va không mạnh, nhưng khiến nữ sinh bị đổ xe và ngã, yếm xe nữ sinh vỡ rời một mảnh văng ra đường.

Dù người phụ nữ không bị ngã nhưng cũng không xuống xe hỗ trợ nạn nhân. Ngược lại, còn mắng té tát, rằng: “Đi không nhìn à, người ta đi chậm thế mà cũng đâm vào?”. Nữ sinh quá uất ức, chỉ nói được mỗi câu “Cô đi ngược chiều…”, thì ngay lập tức bị bà này phủ đầu: “Ngược, ngược cái gì, mày mắt mù thì có, người ta đi sát vào thế này mà còn đâm, xe máy đâm vào xe đạp còn kêu cái gì…”. Nữ sinh vừa dựng xe, vừa khóc.

Thấy sự vô lý, những người qua đường và một số người có mặt chứng kiến gần đó phải chạy ra can thiệp, tất cả đều lên tiếng phê phán người phụ nữ này. Có lẽ vì quá ngượng khi bị mọi người phản ứng, bà ta phân trần: “Thì tôi có mắng nó đâu, nhà tôi ngay kia chả nhẽ lại sang đường mới quay lại, có một đoạn ngược chứ bao nhiêu, tại cháu nó…”. Thế đấy, ai có mặt cũng đoán ra được bà này ý thức được cái sai của mình, nhưng chẳng qua định lấn lướt để phủi bỏ trách nhiệm mà thôi.

Lâu nay, người ta thường hay chỉ trích những hành vi của lớp trẻ, từ việc trẻ nhỏ nô đùa dưới lòng đường, đến các em học sinh đi hàng ngang, thậm chí là lạng lách, đánh võng, chen lấn nhau lúc tan trường, làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Điều đó là rất thực tế và cần được chấn chỉnh, tuy nhiên câu chuyện người lớn bất chấp luật lệ, bất chấp đạo đức, coi thường người khác khi vi phạm giao thông cũng không phải chuyện hiếm, mà còn có thể nói là phổ biến.

Dọc các tuyến đường một chiều, không khó để nhận thấy dường như lúc nào cũng có người điều khiển phương tiện đi ngược chiều, dù là xe đạp, xe máy, cũng có lúc gồm cả ô tô, và hầu hết trong số đó là người lớn. Tại các điểm giao cắt có đèn tín hiệu giao thông, việc người lớn vượt đèn đỏ, đỗ sai làn, dừng vô tội vạ để tránh nắng, rồi không đội mũ bảo hiểm mà nghênh ngang chen lấn cũng là chuyện quá thường. Chưa kể đội ngũ những người lớn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, làm dịch vụ hay dựng xe vô tội vạ cũng không lạ.

Còn vào mỗi buổi chiều, trên các tuyến đường rộng lớn của thành phố, xuất hiện rất đông người lớn đi tập thể dục, biến đường giao thông thành công viên hoặc sân vận động, nhiều người thực hiện mọi hành vi bất thường mà không cần quan tâm đến cảm giác của người xung quanh. Mới đây, Chủ tịch UBND TP đã phải ban hành quy định chấn chỉnh, trong đó đưa ra cả những chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm này.

Thiết nghĩ, trong xã hội nào cũng vậy, ở quốc gia nào cũng vậy, hành vi của người lớn là tấm gương cho lớp trẻ, đều cần sự chuẩn mực. Đơn giản vì họ có đầy đủ năng lực hành vi và điều kiện trách nhiệm trước xã hội, họ có kinh nghiệm từng trải nhận thức rõ hơn cái sai cái đúng, họ cũng giữ vai trò giáo dục định hướng cho thế hệ sau… Nhưng tiếc thay, người lớn còn vậy, hãy khoan trách đến trẻ em, mà câu chuyện giao thông chỉ là ví dụ, nhưng rất may trong xã hội, đó không phải là đa số.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc: Ôi người lớn!
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác