Siêu bão Hagibis-Nhật Bản gọi là cơn bão số 15-được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 60 năm qua đã càn quét, tàn phá một vùng rộng lớn miền Trung đất nước mặt trời mọc. Nhiều toà nhà, trường học ngập đến tận tầng 2, giao thông bị gián đoạn, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn…
Thế nhưng, điều đáng kinh ngạc là qua hình ảnh mà phóng viên các hãng thông tấn lớn của nhiều quốc gia có mặt tại Nhật Bản phản ánh, trong đó có Đài truyền hình Việt Nam thì trong biển nước mênh mông là vậy, song không hề thấy rác thải trôi nổi ở đâu đó, kể cả là một chiếc túi ni lông, vỏ hộp vỏ chai…Có chăng là cành cây, lá, vật dụng bị mưa bão cuốn trôi. Thay vào đó là hình ảnh người dân tại các khu dân cư, nhân viên các doanh nghiệp, thầy trò tại các trường học hì hụi dọn từ trong phòng, nơi sinh hoạt, học tập, làm việc đến cầu thang, hành lang, vỉa hè, đường phố…
Cũng theo phản ánh của các phóng viên thì khi được hỏi về nguồn căn của những việc làm đẹp, ý nghĩa kể trên, nữ trợ lý giám đốc văn phòng chính quyền tỉnh Hiroshima-thành phố Tokyo trả lời rất đơn giản rằng: Lao động là hoạt động không thể thiếu trong 12 năm học tập tại nhà trường của mỗi công dân Nhật Bản. Chương trình giảng dạy của các trường học giúp học sinh từ cấp nhỏ nhất đã phải dần nhận thức được sự đóng góp công sức của mỗi cá nhân để làm nên niềm tự hào về môi trường xung quanh. Trong cuộc sống cũng vậy, cha mẹ luôn dạy chúng tôi cần phải giữ cho không gian sống sạch sẽ. Người Nhật Bản chúng tôi rất nhạy cảm, không muốn ai nghĩ rằng chúng tôi là những người thiếu trách nhiệm, lười nhác!
Có thể thấy, ý thức về giữ gìn môi trường xung quanh đã ăn sâu vào nhận thức của mỗi người dân Nhật Bản không kể tuổi tác, trình độ, ngành nghề. Tại World Cup 2014, 2018 những cổ động viên Nhật Bản dọn rác trên khán đài thì trong phòng thay đồ của các cầu thủ đất nước mặt trời mọc cũng sạch sẽ, gọn gàng khiến điều phối viên của FIFA phải lên tiếng coi đây là những hành động đẹp mà các cổ động viên, cầu thủ các quốc gia khác nên học tập!
Quay trở lại Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng, gần đây để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, cuộc vận động nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã được phát động trên toàn quốc. Song, nội dung tuyên truyền mới dừng ở một bộ phận nhỏ cán bộ công chức, hệ thống siêu thị lớn, một số khách sạn, nhà hàng… Còn tại các chợ truyền thông, mỗi hộ dân thì túi ni lông, chai nhựa vẫn tràn lan?!
Đành rằng, thay đổi thói quen, nhận thức không thể tính bằng vài năm, song rất cần sự quyết tâm, quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp thì mới có thể tác động mạnh mẽ tới các tầng lớp, thành phần dân cư.
Kim Oanh