Print Thứ tư, 17/08/2022 16:20 Gốc

Giấc mơ về mạng lưới tàu điện ngầm ở thành phố Hồ Chí Minh đang dần trở thành hiện thực khi tuyến metro đầu tiên dài gần 20km đang ở những công đoạn cuối cùng. 17 đoàn tàu đã về tới Việt Nam. Dự kiến, tuyến metro này sẽ đi vào hoạt động năm 2024.

Cũng như vậy, dự án metro của Hà Nội cũng đã được triển khai, bắt đầu là tuyến Cát Linh-Hà Đông, Ga Hà Nội-Nhổn… Như vậy, không lâu nữa, hai thành phố lớn nhất cả nước sẽ có được một hệ thống giao thông công cộng hiện đại và đáp ứng được nhu cầu giao thông cho phần lớn người dân. Cũng có nghĩa là tình trạng ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm sẽ giảm hẳn, lưu lượng xe máy sẽ giảm đi phần lớn và giao thông trên mặt đất trở nên thông thoáng hơn.

Đây là điều mong đợi, là ước mơ từ nhiều năm nay của người dân đến giờ đang dần trở thành hiên thực. Tuy nhiên, khi thực hiện, vẫn vấp phải không ít những thách thức, khó khăn, vướng mắc, từ giải phóng mặt bằng cho tới kỹ thuật, xây dựng dự án, bảo tồn phố cổ, gìn giữ cây xanh và nhiều vấn đề khác. Ngay cả chuyện đội vốn, điều chỉnh vốn cũng gây ra không ít eo xèo. Nhưng hơn tất cả phải thấy được lợi ích chung nhất của hệ thống metro là giải tỏa đồng bộ và toàn diện nhất tất cả những vấn đề giao thông hiện nay mà các thành phố lớn trên thế giới đều phải đối diện.

Vì thế, dù có khó khăn, dù có vướng mắc, dù có chưa thông thì mỗi người đều cần phải nhận thấy lợi ích to lớn mà metro mang lại, có thể chịu đựng, thậm chí hy sinh một phần lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung; có vậy các tuyến metro mới nhanh chóng trở thành hiện thực.

Ra nước ngoài, đi metro là chuyện bình thường. Ở các thành phố lớn dân số tới hàng chục triệu dân nhưng giao thông trên mặt đất rất thông thoáng, không có cảnh xô bồ hỗ độn như tại Việt Nam. Thử nghiệm các tuyến tàu điện ngầm, tàu Skinkansen ở Nhật Bản mới thấy hết mức độ tuyệt vời, cảm giác thư thái mà giao thông mang lại cho người dân. Cũng bởi thế mà tỷ lệ tai nạn giao thông ở Nhật Bản hầu như không đáng kể. An toàn và tiện lợi khiến người dân không còn muốn sắm phương tiện giao thông cá nhân nữa.

Chính vì thế, người dân thành phố Hải Phòng bây giờ cũng bắt đầu ao ước, tới bao giờ mới có được các tuyến metro như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hoặc ít nhất cũng có tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, rút ngắn thời gian đi lại và bảo đảm an toàn cho người dân. Thậm chí, có cán bộ đã ước, có tuyến đường sắt ấy, có thể ở Hải Phòng và làm việc tại Hà Nội hoặc ngược lại, đi về trong ngày sẽ hạnh phúc biết bao.

Mơ ước ấy hoàn toàn không phải hão huyền khi ở các nước phát triển, metro là đương nhiên. Các chuyên gia về giao thông cho biết, metro là một hệ thống đồng bộ về giao thông tốc độ cao cho toàn xã hội. Ở Nga, khi thành phố có 1 triệu dân là có cơ sở pháp lý để buộc phải xây metro cho dân chúng.

Tuy nhiên, việc xây dựng metro phải có cách tiếp cận tổng hợp và có tính đến sự phát triển của xã hội cũng như đô thị ở tương lai rất xa. Metro khi đã xây rồi thì không thể đào lên xây lại vì sự lãng phí và chi phí khủng khiếp không cho phép. Nếu hệ thống được tính toán khoa học thì dù thành phố có phát triển đến đâu và dân số có bùng nổ đến đâu vẫn điều khiển được hệ thống này. Metro, đó là kinh nghiệm cộng với khoa học. Metro là một hệ thống sống động, nó phải được phát triển không ngừng. Ngay hệ thống metro của Matxcơva bây giờ vẫn tiếp tục phát triển. Matxcơva có 13-15 triệu người nhưng trên mặt đường thành phố không thấy đông lắm vì gần một nửa dân chúng luôn ở dưới metro.

Như thế, với quy mô dân số của thành phố Hải Phòng, ước mơ về metro là hoàn toàn có thể. Và ước mơ đó muốn không xa vời thì cần được nghĩ tới ngay từ bây giờ, bằng các quy hoạch, kế hoạch phát triển và sự chuẩn bị cùng những tính toán chi tiết…

Hồng Thanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc: Metro và tầm nhìn giao thông
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác