Print Thứ Tư, 17/07/2019 16:13

Kể từ đầu năm đến nay, cả nước dù thời tiết diễn biến bất thường, xảy ra nhiều đợt nắng nóng nhưng thiên tai nói chung không phải là vấn đề lớn. Đó là điều đáng mừng ít nhất tính đến thời điểm này.

(Ảnh minh họa)

Nhưng có một vấn nạn mang nhiều tính khách quan, mà từ nghìn xưa con người đã sánh ngang với thiên tai, địch họa, đó chính là dịch bệnh. Hậu quả nặng nề của đợt tả lợn châu Phi diễn ra trên phạm vi cả nước, đã và đang gây tổn hại không chỉ trước mắt mà còn để lại di chứng lâu dài, khiến người ta không khỏi lo đơn, lo kép. Trong đó có Hải Phòng.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn Hải Phòng từ ngày  22-2-2019 tại xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên). Tính đến hết tháng 6 vừa qua, dịch đã xảy ra tại 18.736 hộ, 1.217 thôn, 173 xã phường thuộc 13 quận huyện. Số lợn đã tiêu hủy là 177.107 con, chiếm 51,47% tổng đàn trước khi có dịch, tổng trọng lượng đã tiêu hủy là 9.458.070 kg. Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên diện rộng và kéo dài hơn 3 tháng ước thiệt hại khoảng trên 470 tỉ đồng cho riêng Hải Phòng.

Điều đáng nói, dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại cho người chăn nuôi, làm tổn thất ngân sách khi phải nỗ lực chống dịch và hỗ trợ người dân là một nhẽ, nhưng nó còn đem đến nỗi lo về tâm lý dịch bệnh bao trùm lên xã hội. Dù kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy dịch bệnh không lây lan sang người, nhưng một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn quay lưng với thịt lợn.

Ở chiều ngược lại, giá giảm, thịt ế đã là chuyện khổ, nhưng việc mất đi quá nửa tổng đàn lợn đã dẫn đến cơ cấu thực phẩm trên thị trường mất cân đối nghiêm trọng, bởi thịt lợn vốn là một trong những thức ăn phổ biến và truyền thống nhất.

Hơn nữa, theo đánh giá, để tái tạo trở lại đàn lợn, đòi hỏi dịch bệnh phải được ngăn chặn triệt để, đồng thời “làm sạch tâm lý” cả nhà quản lý, người chăn nuôi và người tiêu dùng, đi đôi với việc tập trung một nguồn lực tài chính, công sức là không hề nhỏ.

Nỗi lo đặt ra có lẽ không phải quá sớm rằng rất có thể dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tới lợn thịt sẽ là một mặt hàng khan hiếm, khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Bởi theo các nhà chăn nuôi, quy trình phát triển của một đàn lợn đến lúc thu hoạch ít nhất là 6 tháng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp diễn, đồng nghĩa với việc tái tạo chưa được khuyến khích.

Rõ ràng đây là thách thức lớn cho thị trường và xã hội, quả thực là nỗi lo chồng lên nỗi lo, mà trong nhất thời chưa thể là bài toán dễ giải.

Hoàng Minh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc:  Lo đơn lo kép
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác