Print Thứ Ba, 06/08/2019 15:58

Vừa qua, cả thế giới đón nhận tin kinh hoàng: mẻ băng khổng lồ khoảng 11 tỷ tấn tại khu vực Bắc cực đã tan chảy xuống biển. Tuy không thấy ngay sự thiệt hại về người, tài sản như các vụ khủng bố, thảm sát hay tai nạn, song thông tin trên cũng lại tiềm ẩn những hậu hoạ khôn lường và thảm khốc.

Theo lời một nhà khoa học Đan Mạch thì thông thường băng tan chảy trong suốt mùa hè, bắt đầu từ tháng 5. Tuy nhiên, qua theo dõi thì từ ngay đầu năm nay 2019 băng đã tan chảy và dai dẳng đến tận thời điểm hiện tại. Đặc biệt, cao điểm vào ngày 31-7 vừa qua, thì một mẻ băng khổng lồ ước khoảng 11 tỷ tấn đã tan chảy xuống biển, nền nhiệt ở Greenland được ghi nhận nóng ở mức kỷ lục. Và trong tháng 7-2019 khu vực này đã mất đi 197 tỷ tấn băng bề mặt. Một con số mà theo các nhà khoa học là kinh khủng!

Cũng theo tính toán, 11 tỷ tấn băng tan chảy tương đương với lượng băng lấp đầy 4,4 triệu hồ bơi theo tiêu chuẩn Olympic.

Trở lại với tình hình trong nước, trong những ngày đầu tháng 8, các tỉnh, thành ven biển phía Bắc, Bắc Trung Bộ vừa trải qua cơn bão số 3 với cái tên Wipha.

Bất thường là bão không đổ bộ trực tiếp, song hoàn lưu bão lại gây hậu quả khá nặng nề. Bên cạnh cảnh ngập lụt, cây xanh gẫy đổ tại các vùng đô thị thì khu vực miền núi của tỉnh Sơn La, Thanh Hoá lại phải đối mặt với lũ ống, lũ cuốn khiến gần 20 người thiệt mạng, mất tích, bị thương, trong đó có một chiến sỹ công an hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu người dân ra khỏi vùng lũ. Bên cạnh đó, là hàng trăm ngôi nhà, điểm trường bị sập, cuốn trôi.

Sự bất mãn, thậm chí là cực đoan của con người còn có giới hạn và có thể phòng ngừa, thế nhưng sự cuồng nộ của thiên nhiên thì khó lường và cũng rất khốc liệt.

Việc băng tại Greenland tan chảy với mức kỷ lục kể từ năm 1950 đến nay, theo các nhà khoa học đó là lời cảnh báo tới các nguyên thủ các quốc gia, nhất là những quốc gia đã và đang có tốc độ tăng trưởng nóng. Hạn chế khí thải nhà kính đã được khuyến cáo từ nhiều năm nay, song tại không ít các cuộc họp quy mô toàn cầu thì người đứng đầu các quốc gia đều đùn đẩy nhau, thậm chí né tránh, tảng lờ vì sợ rằng ảnh hưởng đến mức tăng trưởng kinh tế của đất nước mình.

Hệ luỵ là cùng với tốc độ tăng trưởn kinh tế toàn cầu là nhiệt độ của trái đất cũng không ngừng tăng cao. Nếu không cùng hành động vì sự bền vững của trái đất, vì cuộc sống an toàn của hàng tỷ con người thì động đất, sóng thần, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, xâm thực… sẽ luôn rình rập và hậu quả về môi trường là khó khắc phục.

Kim Oanh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc: Không thể xem thường!
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác