Print Thứ Bảy, 29/06/2019 09:08

Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều bài viết, liên qua đến một số thương hiệu lớn của Việt Nam, thực chất là “xào nấu” hàng ngoại nhập thành hàng Việt. Những thương hiệu được “phát hiện” vốn rất nổi tiếng như lụa “KS”, điện tử “ASZ” và mới đây là đồ gia dụng “SH”. Đây không phải là câu chuyện lạ, mà đã được báo An ninh Hải Phòng đề cập nhiều lần.

(Ảnh minh họa)

Gọi là hàng ngoại đội lốt thương hiệu Việt, nhưng cần phải nói thẳng là hầu hết hàng hóa này đều xuất nguồn từ Trung Quốc. Đây là điều dễ hiểu bởi đặc thù hai nước có chung đường biên giới, quan hệ thương mại khá thoáng đạt, hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, đa dạng, phù hợp với đại chúng người tiêu dùng Việt Nam.

Hải Phòng là cửa ngõ giao thương quan trọng bậc nhất ở miền Bắc, nên kể từ khi biên mậu hai nước Việt – Trung thông thương, Hải Phòng cũng đồng thời là nơi khởi đầu cho nhiều loại hàng hóa dạng này, mà xe máy là một ví dụ điển hình.

Nhìn rộng ra cả nước, việc hàng hóa thương hiệu Việt được đưa ra thị trường trên nền tảng cơ bản là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hiển hiện trên mọi lĩnh vực, từ đồ gia dụng đến điện tử, từ sản phẩm may mặc, giày dép đến phương tiện giao thông, từ vật phẩm bách hóa đến thiết bị máy móc công nghiệp…

Vì sao có hiện tượng như vậy? Nhiều ý kiến cho rằng: do trình độ sản xuất trong nước không theo kịp nên đi theo con đường nhập khẩu công nghệ và nguyên vật liệu để tự sản xuất sẽ đưa ra những sản phẩm khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu; do tâm lý một bộ phận người tiêu dùng Việt không thích dùng hàng Trung Quốc, nên việc “Việt hóa” hàng hóa chẳng qua để phục vụ mục đích tiêu thụ; do hàng hóa Trung Quốc quá đa dạng về mẫu mã, nguồn gốc nên một số mặt hàng có ý thức chọn lọc, được “Việt hóa” để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; do lợi dụng chính sách ưu đãi, việc “Việt hóa” hàng hóa nhằm trục lợi…?

Như vậy, bản chất việc “Việt hóa” hàng nhập khẩu không hoàn toàn là tiêu cực, vì không những đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn giúp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà trong xu hướng hội nhập hiện nay, nhiều quốc gia cũng làm như vậy.

Nhưng vấn đề đáng nói chính là sự thiếu minh bạch của người thực thi, mà những vụ việc đã và đang được phát hiện đang phản ánh thực trạng đó. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng Việt cảm thấy bị lừa dối, khi phải bỏ tiền mua “hàng Việt, chất Tàu” giá cao.

Hy vọng rằng vấn đề này sớm được khắc phục, và trước mắt cần một cuộc rà soát toàn diện, từ đó có cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Được như vậy mới có thể trấn an người tiêu dùng, chống thất thoát nguồn lực quốc gia, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

                                                                                Hoàng Minh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc:  “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác