Vừa qua, tại lễ kỷ niệm 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội quan trọng của đất nước.
Sản xuất túi khí ô tô tại KCN Nomura
Trên thực tế, từ năm 1977 Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương ban hành Luật, tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho người nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, do bối cảnh quốc tế, nhất là sự tồn tại hai phe trục cả về kinh tế lẫn chính trị, cùng với chính sách cấm vận kinh tế do Mỹ dẫn đầu, đã trở thành lực cản to lớn để chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam được hiện thực hóa theo đúng nghĩa. Trong một thời gian dài, chúng ta mới cơ bản nhận được nguồn đầu tư từ Liên Xô (cũ) và các nước trong cộng đồng XHCN.
Năm 1986, tại đại hội toàn quốc lần thứ 6, Đảng ta đã tiến hành mở cửa kinh tế, xóa bỏ bao cấp và thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài…. Những chính sách này gắn liền với dấu ấn “cầm quân” của các nhà lãnh đạo cao nhất là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch nước Võ Chí Công, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười. Chủ trương thu hút nguồn vốn FDI đã được thống nhất, dẫn đến sự ra đời của Luật đầu tư nước ngoài, được Quốc hội thông qua ngày 29-12-1987, mở ra một môi trường kinh tế mới hết sức năng động và cởi mở.
Sản xuất máy giặt LG tại KCN Tràng Duệ
Tính đến nay, cả nước đã có trên 26.500 dự án FDI được đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỉ USD. Đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Hiệu quả có thấy rõ ở Hải Phòng, địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, với 580 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đầu tư 15,806 tỷ USD tính đến hết tháng 9-2018.
Kết quả của thu hút vốn đầu tư FDI đã góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt thành phố, không những thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, tạo công việc và thu nhập ổn định cho người lao động, tái cấu trúc nền kinh tế, mà còn bảo đảm một nguồn lực quan trọng trong chiến lược lấy kinh tế củng cố quốc phòng an ninh và ngược lại.
Có thể nói, thu hút đầu tư nước ngoài luôn song hành với sự nghiệp đổi mới và là hiện thực sinh động của chủ trương mở cửa kinh tế. Khẳng định chân lý: một chính sách đúng đắn, hợp lý ở tầm vĩ mô, sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, khiến cả đất nước chuyển động. Hy vọng rằng, với những gì chúng ta có được trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục thực thi nhiều chính sách tương tự, để Việt Nam tự tin hơn trên lộ trình hội nhập quốc tế.
Hoàng Minh – An ninh Hải Phòng 14/10/2018