Việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất và năng lực nhằm giúp trẻ phát triển nhân cách một cách toàn diện là một quá trình lâu dài liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội.
Chúng ta đều biết rằng trong thực tế, bên cạnh các mặt tác động tốt vẫn luôn tồn tại các yếu tố có thể gây nguy hại đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Và với đặc điểm hiếu động, trẻ dễ bắt chước theo, dần dần trở thành thói quen xấu, tác động tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Nhất là khi thiếu sự phối hợp đúng đắn, thiếu sự thống nhất tác động giáo dục giữa nhà trường và gia đình thì hậu quả xấu trong giáo dục sẽ xuất hiện, nếu không kịp thời khắc phục hậu quả sẽ rất tai hại.
Không hiếm gặp cảnh trên đường phố, có những phụ huynh đưa đón con tham gia giao thông đầu không đội mũ bảo hiểm; sẵn sàn phóng xe máy xồng xộc trên vỉa hè, lấn làn đường, vượt cả đèn đỏ khi không thấy cảnh sát giao thông.
Để tránh bị làm phiền, khi chuông điện thoại reo, có phụ huynh không ngần ngại dặn con “nói bố không có nhà”. Hay chuyện có ông bố ngày nghỉ rảnh rỗi thảnh thơi ôm điện thoại “cày game” trong khi miệng lại nhắc con vào bàn học bài?!
Các chuyên gia tâm lý đã từng ví von: “Trẻ em như miếng bọt biển, thấm hút mọi thứ trong tầm mắt của trẻ”. Có lẽ vì thế mà nêu gương được xem là phương pháp giáo dục “tự nhiên” nhất, bởi cho dù người lớn có muốn hay không thì điều đó vẫn cứ diễn ra. Do đó trong cuộc sống hàng ngày, nếu cha mẹ là “gương mờ”, rất có thể con cái họ cũng sẽ vô tình học theo và sẽ áp dụng cho tương lai sau này.
Gia đình là nơi trẻ được sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách của mình. Ảnh hưởng giáo dục của gia đình đến với trẻ là đầu tiên và sớm nhất. Giáo dục con cái trong gia đình không chỉ là việc riêng tư của bố mẹ, mà còn là trách nhiệm đạo đức và nghĩa vụ công dân của những người làm cha mẹ.
Như vậy trong cuộc sống hàng ngày, bản thân mỗi người lớn cần phải ý thức và có trách nhiệm với hành vi của mình giúp trẻ hình thành nhân cách đúng đắn. Tuy nhiên cha mẹ cũng cần nhận thức rằng “nêu gương chứ không phải bắt con là bản sao của cha mẹ. Vì con… khác với cha mẹ”.
Nêu gương và tôn trọng sự khác biệt, khuyến khích con trẻ sống là chính mình, được tự do chọn lọc học hỏi từ những chiếc “gương sáng” ở xung quanh mình. Đó chính là cách giáo dục con tốt nhất!
Bùi Hạnh