Print Thứ ba, 12/03/2019 10:38

Được thành lập từ năm 1999, với vị trí, chức năng là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Trải qua quá trình hoạt động, hạn mức chi trả của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có những thay đổi nhất định. Cụ thể, năm 1999, hạn mức chi trả là 30 triệu đồng, năm 2005 tăng lên 50 triệu đồng và kể từ ngày 5-8-2017, hạn mức chi trả tăng lên 75 triệu đồng. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng hạn mức chi trả trên là vẫn khá thấp bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô như GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỉ giá, lãi suất… đã có nhiều biến động thời gian qua.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng lý giải 4 cơ sở cho hạn mức tối đa 75 triệu hiện nay là: năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam; quy mô tiền gửi; thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Cụ thể, theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền). Tuy nhiên, phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường). “Do đó, số tiền được bảo hiểm tiền gửi không tính theo tỷ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền, mà tính theo số tiền cụ thể. Với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền. Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế.

Nếu muốn nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên trên mức 75 triệu đồng thì cần phải nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua tăng phí bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, việc này sẽ tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế còn có nguyên nhân người gửi tiền thường chỉ quan tâm nơi nào có lãi suất cao nhất vì tin rằng ngân hàng không bao giờ phá sản và nếu ngân hàng có xảy ra sự cố thì Nhà nước sẽ giải cứu. Vì thế, việc áp dụng hạn mức chi trả tối đa trên còn nhằm tránh sự “ỷ lại” vào Nhà nước này khi thay đổi cách thức điều hành cũng cần có các chính sách kèm theo.

Ngoài ra nhìn ở góc độ khác, quy định bảo hiểm tiền gửi chi trả cho người gửi tiền chỉ có giá trị khi ngân hàng thương mại phá sản. Thực tế, dù Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các phương án tái cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém gồm mua lại 0 đồng, cho sáp nhập và phá sản nhưng rất khó để phá sản một ngân hàng trong điều kiện hiện nay. Do đó, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi được nâng từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng sẽ giúp người dân yên tâm, còn thực tế thì tình huống trên là rất khó xảy ra.

Bùi Hạnh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc: Giúp người dân yên tâm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác