Những năm gần đây, Hải Phòng luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời là điểm sáng trên lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng giao thông và đô thị.
Nhiều khu cụm công nghiệp lớn đã góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng ngoại ô.
Đồng nghĩa với đó, các khu cụm công nghiệp cũng trở thành điểm hút nhân lực, khiến dòng chảy lao động đang dịch chuyển mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Bên cạnh đó, một lượng lớn lao động nông nghiệp khác cũng tìm đến lạc nghiệp ở các công trình xây dựng hoặc chạy chợ, dịch vụ… Đây được cho là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang như hiện nay.
Đi về ngoại thành thời điểm này, ở huyện nào cũng có thể nhìn thấy những vùng đất trước kia vốn dĩ là cánh đồng lúa mênh mông, giờ chỉ còn là bãi cỏ hoang ngút ngàn.
Theo một số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có tới 3.159,9 héc – ta đất nông nghiệp bị người dân bỏ canh tác, tương ứng gấp khoảng 5 lần so với tổng diện tích của dự án khu công nghiệp Tràng Duệ.
Dẫu vẫn biết “nước chảy về chỗ trũng” là quy luật tự nhiên, việc người dân tìm đến nơi có công việc ổn định và thu nhập cao hơn là xu hướng tất yếu, rất tích cực trong an sinh xã hội. Tuy nhiên nhìn từ góc độ quản lý đất đai, đang hiện hữu những vấn đề hết sức bất cập.
Cũng là quỹ đất, nhưng vì khác muc đích sử dụng, nên trong khi không ít dự án phát triển không có đất “dụng võ”, thì những vùng đất bỏ hoang nói trên lại tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Đất hoang đấy, nhưng giả như các dự án “đụng” phải, lại phát sinh ngay những vấn đề tranh chấp, đòi hỏi đền bù giá cao, thậm chí là khiếu kiện kéo dài.
Hoặc có ai đó tiếc đất mà tự bỏ tiền “dồn điền đổi thửa” chuyển đổi sang làm trang trại, khu du lịch cộng đồng và những giải pháp sinh lời khác, cũng gặp không ít trở ngại khi làm thủ tục, đồng thời rất dễ trở thành tâm điểm chỉ trích của truyền thông và dư luận.
Những vấn đề này đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa các lĩnh vực sử dụng đất, nơi không triển khai thì dễ bị thu hồi, nhưng nơi để hoang phí lại như lẽ đương nhiên.
Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc, tiến hành tổng rà soát tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp như hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp xử lý hữu hiệu.
Nên chăng cần có những biện pháp chế tài như đối với đất các dự án công nghiệp, dịch vụ, vừa để ngăn chặn trào lưu bỏ hoang nguồn lực, vừa tránh thất thoát cho công quỹ quốc gia.
Hơn nữa, cũng để lập lại kỷ cương trật tự trong công tác quản lý đất đai, hướng tới công cuộc phát triển thực sự bền vững.
Hoàng Minh