Vậy là năm học 2018-2019 đã chính thức bắt đầu được gần 1 tháng kể từ lễ khai giảng 5-9. Hàng triệu học sinh ổn định chương trình học tập thì cũng là lúc các cuộc họp phụ huynh diễn ra. Song, đáng buồn là thay vì bàn luận về chương trình, phương pháp học tập của các con thì nổi cộm lại cũng vẫn là vấn đề đóng góp của phụ huynh với các nhà trường.
Trong mấy ngày gần đây, các cơ quan báo, đài liên tiếp phản ánh tình hình lạm thu tại một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, Nam Định, Bắc Giang, Thanh Hoá… Các bậc phụ huynh đã cung cấp cho phóng viên danh sách các khoản phải đóng góp, trong đó có cả những khoản mà theo quy định là không được thu trong năm học này như xây dựng trường lớp, mua máy chiếu, lắp điều hoà, học thêm… khoản ít thì vài chục nghìn, nhiều lên đến hàng trăm nghìn, là gánh nặng của không ít gia đình, nhất là những vùng nông thôn, khó khăn.
Chuyện lạm thu đầu năm xảy ra ở ngành giáo dục đã lặp đi lặp lại nhiều năm nhưng dường như chưa có thuốc đặc trị?
Điều đáng nói là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở quản lý chuyên môn tại các địa phương năm học nào cũng có văn bản chỉ đạo, rồi thiết lập đường dây nóng, các đoàn kiểm tra… nhưng sai phạm đâu đó vẫn tiếp diễn.
Nhiều tỉnh, thành trên cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng đã có những vụ việc xót xa khi chỉ vì lạm thu mà có thầy cô hiệu trưởng bị kỷ luật, thuyên chuyển công tác, thậm chí có người đã vướng vào vòng lao lý như cô hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương.
Những câu chuyện buồn đó đã tác động không nhỏ, làm suy giảm lòng tin của một bộ phận người dân vào ngành giáo dục, vào thầy cô-những người được mệnh danh là làm nghề cao quý trong xã hội.
Thiết nghĩ, không có hạn chế nào không có hướng giải quyết triệt để khi những bên liên quan quyết tâm. Điều quan trọng hàng đầu là lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo các địa phương từ tỉnh, thành đến quận, huyện, phường, xã cần kiên trì, cương quyết chỉ đạo thanh kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm đối với những người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Bởi việc xử lý manh tính tình cảm xê xoa, chuyển từ hiệu trưởng trường này sang trường khác hoặc nhắc nhở, sẽ tạo tiền lệ xấu cho các trường hợp khác.
Mặt khác, Chi hội phụ huynh tại các nhà trường thay vì là “cánh tay nối dài” các chủ trương của nhà trường thì cũng cần phải nêu cao tinh thần trao đổi, phản biện để sớm hạn chế tình trạng lạm thu. Bởi ngay cả khi Chi hội phụ huynh quán triệt nhưng đông đảo cha mẹ học sinh không đồng thuận thì nhà trường cũng khó có thể thực hiện.
Kim Oanh