Print Thứ Bảy, 11/05/2019 14:53

Cuộc đấu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với những diễn biến mới đang thu hút sự quan tâm đặc biệt trên quy mô toàn cầu.

(ảnh minh họa)

          Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bất ngờ tuyên bố tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 10-5-2019, với mức thuế áp lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25%. Ngoài ra, 325 tỉ USD hàng hóa khác của nước này cũng sẽ sớm chịu chung số phận. Đáng chú ý tuyên bố này được đưa ra ngay trước thềm cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung dự kiến được tổ chức tại Mỹ vào ngày 8-5. Theo truyền thông thế giới, động thái của nước Mỹ nhằm tỏ thái độ “không hài lòng” khi cho rằng phía Trung Quốc triển khai quá chậm trong quá trình đàm phán. Trong khi đó, một quan điểm khác cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Mỹ nhằm tăng sức ép để đạt được lợi thế trong thỏa thuận với Trung Quốc?

Tranh chấp thương mại Mỹ – Trung được coi như một cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế 25% đối với 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và 10% lên 200 tỉ USD hàng hóa khác vào tháng 3-2018. Giải thích về sự “khơi mào” này, nước Mỹ cho rằng họ thực hiện quyền tự vệ, dựa theo Đạo luật thương mại 1974, là biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Đáp lại, phía Trung Quốc cũng đã có hàng loạt động thái trả đũa, khiến quan hệ thương mại giữa hai nước trở lên căng thẳng.

          Điều quan trọng là, trong không gian hội nhập toàn cầu, sự căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra tầm ảnh hưởng rộng lớn. Trong đó, nhất thời có nhiều quốc gia được hưởng lợi, khi tranh thủ mở rộng thị trường, hoặc lấp vào những khoảng trống mà cả Mỹ và Trung Quốc đều phát lộ. Bên cạnh đó, cũng không ít quốc gia bị cuốn vào “vòng xoáy”, mà mức độ tác động tùy theo quy mô phụ thuộc vào hai nền kinh tế này. Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, đang từng bước hội nhập sâu rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, chắc chắn cũng không ở ngoại lệ.

          Nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội cho những quốc gia lợi thế cũng chỉ mang tính cục bộ, bởi phụ thuộc không phải là mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Mặt khác, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tiếp diễn theo chiều hướng xấu, dẫn đến việc bản đồ thương mại thế giới bị kết cấu lại, sẽ tiềm ẩn nhiều bất lợi cho những nền kinh tế nhỏ. Hy vọng rằng tranh chấp giữa hai nước lớn sẽ nhanh chóng đến hồi kết, trả lại không gian bình yên cho thị trường thế giới, bởi kinh nghiệm cho thấy, đã lâm trận thì dù thua hay thắng, bên nào cũng sẽ “sứt đầu, mẻ trán”.

                                                                                          Hoàng Minh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc:  Cuộc chiến thương mại
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác