Chuyện một nữ sinh H.Y lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 bạn nữ cùng lớp lột quần áo, đánh hội đồng ngay trong phòng học đang khiến dư luận dậy sóng.
Theo thông tin đã đưa, chiều 22-3 khi tan học và nữ sinh này ra về đến cổng trường thì 5 học sinh nữ kéo lại đưa lên lớp bắt trực nhật. Đây là nhiệm vụ của 5 học sinh này vào sáng thứ 7, nhưng H.Y bị bắt làm thay.
Sau khi vào phòng học, 2 bên xảy ra tranh cãi nên nhóm bạn này lao vào đánh em Y., lột đồ và quay clip. Sau đó clip này được chính người quay gửi tới một số bạn học khác. Vụ việc đã được xác định có dấu hiệu cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.
Chưa hết, cũng theo tin mà báo chí đã phản ánh, nữ sinh H.Y chia sẻ, ngoài vụ việc bị lột đồ, đánh hội đồng dã man trong lớp học ngày 22-3, thì ở lớp, H.Y thường xuyên bị nhóm 5 bạn nữ này bắt nạt.
Đơn cử có lần bạn Tr. (nữ sinh được cho là cầm đầu nhóm 5 bạn) bắt H.Y viết hộ bản cam kết, nhưng Y. viết chưa xong khiến Tr. bị cô giáo phạt, nên trưa hôm ấy nữ sinh này đã đánh Y.
“Bạn ấy nghỉ học để đi chùa, bị cô giáo bắt chép phạt 300 lần, bạn ấy cũng đe dọa em, bắt em chép thay… bạn Tr. và bạn H. thường bắt em chép phạt hộ, trực nhật hộ, nếu em không làm thì các bạn ấy chặn đường em về, lôi vào trong lớp, đóng cửa vào đánh…”, H.Y kể.
Nếu những thông tin trên là sự thực, thì khó tưởng tượng được tình trạng này lại xảy ra trong môi trường giáo dục, diễn ra thời gian dài và có tổ chức, ở một miền quê tưởng như rất yên bình như xã Phù Ủng (huyện Ân Thi – Hưng Yên).
Đáng tiếc một vụ việc nghiêm trọng như vậy, xảy ra từ 22-3 mà cho đến hơn một tuần sau mới được các cơ quan chức năng phát hiện và vào cuộc. Cho thấy phương pháp ứng xử của Ban giám hiệu và những giáo viên liên quan ở Trường THCS Phù Ủng rất có “vấn đề”. Nghĩa là, nếu như không bị vỡ lở, thì chắc rằng câu chuyện này đã đi vào quên lãng?
Cho đến giờ phút này, diễn biến vụ việc cơ bản đã được làm rõ, nhưng dường như những người trong cuộc chưa thể hiện được sự chân thành trước lỗi và trách nhiệm, đạo đức hay lương tâm nghề nghiệp của mình. Phải chăng căn bệnh “thành tích” đã làm lu mờ tất cả, để rồi việc tày đình đến đâu người ta cũng cố lấp liếm cho qua?
Tin rằng, khi dư luận đã lên tiếng, cơ quan chức năng đã vào cuộc thì mọi việc sẽ được xử lý nghiêm túc. Nhưng quả thật một vụ việc hành xử coi thường luân thường đạo lý như vậy xảy ra trong học đường khiến người ta phải giật mình, đáng là nỗi hổ thẹn, là hồi chuông cảnh báo cho môi trường giáo dục.
Hoàng Minh