Năm 2016, cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho 8,8 triệu người cao tuổi; năm 2017 là 9,8 triệu người và năm 2018 là trên 11 triệu người.
Con số này chưa bao gồm người cao tuổi là thân nhân của quân đội, công an tham gia BHYT theo chế độ đặc thù do Nhà nước ban hành.
Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, tỷ lệ người cao tuổi gia tăng nhanh, bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Theo đó, tỷ lệ người cao tuổi tham gia BHYT trên tổng số đối tượng chiếm trên 11% và tăng dần qua các năm. Là nhóm đối tượng đã suy giảm nhiều về thể lực sau thời gian dài lao động và cống hiến, người cao tuổi là nhóm có tần suất khám chữa bệnh (KCB) và chi phí KCB bình quân cao hơn các nhóm đối tượng khác do bệnh ở tuổi già chủ yếu là các bệnh mạn tính (như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, thoái hóa khớp…) phải điều trị suốt đời và điều trị nhiều bệnh cùng lúc; tính chất bệnh nặng…
Trong khi đó, phần lớn nhóm người ở độ tuổi 80 trở lên không có lương hưu, sống phụ thuộc vào gia đình và các trợ cấp xã hội hàng tháng. Số tiền điều trị này cũng không phải là nhỏ nên hầu hết các gia đình chỉ nhớ đến BHYT khi con số này vượt quá mức chi trả của gia đình có thể.
Bảo đảm tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, việc mở rộng, sớm hoàn thành tỷ lệ bao phủ BHYT đến 100% đối tượng này có ý nghĩa quan trọng. Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi 2014 quy định, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng khi khám chữa bệnh (KCB) là 100%.
Tuy nhiên, luật cũng quy định người từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi không thuộc diện ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT sẽ phải tự đóng kinh phí mua thẻ BHYT. Đây thực sự là vấn đề nan giải bởi đây chính là nhóm đối tượng cần chăm sóc y tế là cao nhất trong số các nhóm đối tượng theo quy định của Luật. Điều đáng mừng là chung tay cùng nhà nước trong việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội, để tăng diện bao phủ BHYT cho đối tượng người cao tuổi, rất nhiều tỉnh thành trên cả nước đã trích từ ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi chưa tham gia BHYT.
Đây thực sự là chính sách nhân đạo, thể hiện sự quan tâm và chung sức của các địa phương nhằm giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi giúp người cao tuổi tham gia BHYT, góp phần giảm chi phí khám, chữa bệnh cho gia đình họ, bảo đảm an sinh xã hội.
Bùi Hạnh