Trước hết, cần làm rõ khái niệm “đúng tuyến”. Nếu diện “đúng tuyến” là hợp lý, vậy diện “trái tuyến” sẽ giảm, và cũng không có nhiều tiêu cực phát sinh.
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay, để thực hiện phổ cập, đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi ra lớp, ngay khoảng từ giữa năm học trước, các trường mầm non, trường tiểu học đã bắt đầu đi khảo sát số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn.
Với phương châm “để trẻ có thể đến trường được gần nhất”, Phòng GD-ĐT các quận, huyện sẽ dựa trên kết quả của 2 đợt khảo sát này để tiến hành phân tuyến và giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường. Sau khi nhận hết số trẻ theo chỉ tiêu “đúng tuyến”, các trường sẽ được nhận thêm số trẻ thuộc diện “trái tuyến”.
Đối với đa số các trường, việc tuyển sinh “đúng tuyến” có thể thực hiện một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đối với một số trường nằm ở khu vực trung tâm thành phố, hoặc khu đông dân cư thì việc tuyển sinh “đúng tuyến” không hề dễ dàng.
Theo một Trưởng phòng GD-ĐT của một quận trung tâm, trong diện “đúng tuyến” thì đau đầu nhất là diện KT2, tức là có hộ khẩu thường trú trên địa bàn song thực tế sinh sống tại địa phương khác. Và số học sinh này là con số “ảo”, không thể khảo sát được.
Có một thực tế là nhiều gia đình có ông bà sống trên quận A., song đến đời bố mẹ đã chuyển về quận B., song vẫn giữ hộ khẩu tại quận A. Đến khi con cái đến độ tuổi đi học, bố mẹ không cho học ở quận B. mà mang hộ khẩu đến quận A. lấy lý do “đúng tuyến” để được nhập học.
“Nếu nằm ngoài khảo sát, nhiều trường mầm non, tiểu học khu vực trung tâm sẽ không nhận những trường hợp KT2 kiểu này, do không đúng kế hoạch tuyển sinh. Mà nếu dựa trên con số “ảo” để tuyển sinh sẽ dẫn đến không thể làm phổ cập”, vị Trưởng phòng GD-ĐT quận này cho hay.
Phía nhà trường thì cho rằng, cho dù là thường trú hay chỉ là tạm trú, học sinh cần ở trên địa bàn mới là đúng tuyến. Trong khi đó, phía phụ huynh cho rằng, chỉ cần có hộ khẩu thôi thì là đúng tuyến rồi bởi hồ sơ yêu cầu nộp cho cần hộ khẩu, hoặc giấy xác nhận cư trú. Từ đây phát sinh nhiều tranh cãi.
Theo quy định, việc các phòng GD-ĐT phân tuyến là cần thiết, các trường tuyển sinh theo tuyến, theo kế hoạch quận giao là có cơ sở, tuy nhiên cũng cần có ranh giới “mềm” hơn, tạo điều kiện cho các phụ huynh nhà xa, nhưng muốn con học gần cơ quan bố mẹ, hoặc nhiều lý do khác nữa xin cho con học ở trường không được phân tuyến.
Ở tương lai xa hơn, mong rằng số học sinh “trái tuyến” sẽ ngày một ít đi, không chỉ bởi nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, các nhà trường mà ngay từ chính nhận thức của các bậc phụ huynh không nặng về “trường điểm” mà bắt con cái ngày hai buổi lặn lội đường xa tới trường.
An ninh Hải Phòng 21/8/2018