Ủy ban Nhân dân thành phố vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 26/7/2022, thể chế hóa Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ, về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Tại Văn bản này, Chủ tịch UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về công tác bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và đường bay xuyên biên giới, các vùng chim di cư quan trọng và điểm dừng chân của chúng trên địa bàn thành phố.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư. Theo dõi, kịp thời phát hiện các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.
Theo số liệu nghiên cứu, Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu; các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam. Hiện nay, ở nước ta đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa…
Mặt khác, việc quản lý động vật hoang dã nói chung ngoài những yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kiểm soát nguồn gây bệnh. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và môi trường, những năm qua nhiều loài động vật hoang dã đã mang mầm bệnh có thể lây lan sang người. Các nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Nhìn lại thời gian qua, dù Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan đã có nhiều quy định, nhằm quản lý động vật hoang dã trong đó có các loài chim, nhưng trên địa bàn cả nước vẫn xuất hiện vi phạm. Tại Hải Phòng, còn tiềm ẩn tình trạng khai thác nguồn động vật hoang dã từ thiên nhiên, nhất là đánh bắt chim trời, chim di cư, bày bán công khai hoặc quảng cáo trên một số nhà hàng trên địa bàn.
Tại khu vực cầu Lạc Long, luôn xuất hiện một số người dân bày bán chim di cư trên vỉa hè, còn tại một sô nhà hàng, tập trung nhiều ở huyện Kiến Thụy, phổ biến là mô hình bán thịt “chim to dần” được quảng cáo bắt từ thiên nhiên.
Trở lại với Chỉ thị 11/CT-UBND, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu các ngành chức năng, trong đó có Sở TT&TT và Công an TP, đẩy mạnh chỉ đạo công tác tuyên truyền; kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo các sản phẩm, công cụ săn, bắt, bẫy chim hoang dã, di cư trên địa bàn thành phố; tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư.
Hy vọng rằng, với quyết tâm và quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chức năng, lĩnh vực quản lý động vật hoang dã tới đây sẽ đạt được cải thiện. Tuy nhiên, một điều hết sức quan trọng là phải cần hơn nữa ý thức của cộng đồng, khi không tham gia hoặc không tiếp tay cho những hành vi vi phạm, có như vậy mục tiêu lớn mới đạt được kết quả mang tính toàn diện.
Hoàng Minh