Trong tháng 6 và đầu tháng 7/2023, nhiều hộ dân tại xã Đông Phương (Kiến Thụy) kiến nghị về việc chất lượng nước sinh hoạt của nhà máy nước xã Đông Phương thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Dịch vụ thương mại Đại Thái cung cấp không bảo đảm chất lượng. Lãnh đạo huyện trực tiếp đối thoại với nhân dân, lắng nghe và tìm biện pháp tháo gỡ. Kết quả, huyện Kiến Thụy, Công ty Đại Thái và Công ty Cấp nước Hải Phòng cùng thống nhất bàn giao vùng cấp nước xã Đông Phương cho Công ty CP Cấp nước Hải Phòng thực hiện.
Sự việc này cho thấy nước sạch cho nông thôn là một trong những vấn đề lớn, là nỗi trăn trở bấy lâu của các cấp chính quyền. Theo thống kế, từ năm 1998 đến năm 2015, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã đầu tư xây dựng 161 nhà máy nước khu vực nông thôn có công suất dưới 1.000 m³/ngày đêm.
Do tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước thô, có 58 nhà máy dừng hoạt động cấp nước và chuyển giao vùng phục vụ cho các nhà máy có chất lượng nước tốt hơn. Đến nay, Hải Phòng còn 113 nhà máy cấp nước cho khu vực nông thôn đang hoạt động bao gồm 99 nhà máy mini; 10 nhà máy nước của Công ty CP Cấp nước Hải Phòng (8 nhà máy trên đất liền và 2 nhà máy trên đảo); 4 nhà máy nước mini xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân.
Hiện tại, toàn bộ các nhà máy cấp nước nông thôn đã thực hiện giám sát chất lượng nước theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT).
Theo kết quả kiểm tra, phân loại, có 31 nhà máy nước hoạt động bền vững, duy trì chất lượng nước ổn định, lâu dài, nguồn nước thô có chất lượng tốt; 27 nhà máy nước hoạt động bình thường chất lượng nước ổn định. Tuy nhiên, về lâu dài các nhà máy này không có khả năng nâng cấp đáp ứng nhu cầu; 55 nhà máy khó có thể duy trì chất lượng ổn định do chịu tác động lớn của nguồn nước thô cấp từ các tuyến kênh thuỷ lợi cấp cho nông nghiệp.
Để bảo đảm cấp nước ổn định cho khu vực nông thôn, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Thành phố giao Sở Y tế xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sinh hoạt. Hiện Sở Y tế đã cơ bản hoàn thành trình UBND thành phố ban hành. Đồng thời, đã đề xuất tích hợp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 các nội dung: tiếp tục duy trì các nhà máy nước nông thôn đang hoạt động bền vững; mở rộng 8 nhà máy nước đô thị cấp cho khu vực nông thôn, đảm bảo 100% người dân nông thôn sẽ được cấp nước đạt quy chuẩn sau khi Quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các nhà máy nước nông thôn đang hoạt động có quy mô lớn, đảm bảo bền vững, phù hợp với quy hoạch cấp nước hiện tại.
UBND thành phố đang chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, yêu cầu các nhà máy nước quy mô lớn lắp đặt hệ thống phân phối bao phủ đến 100% các khu dân cư nông thôn, đảm bảo hệ thống phân phối nước sạch bao phủ đến tường rào của 100% hộ khu vực nông thôn.
Như vậy, nước sạch cho khu vực nông thôn đã và đang được thành phố đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, do có nhiều chủ thể thực hiện, chất lượng cấp nước chưa thật đồng đều, còn có khu vực chất lượng nước kém hơn, thậm chí không bảo đảm tiêu chuẩn như nhà máy nước tại xã Đông Phương mới đây, gây bức xúc trong nhân dân. Vì thế, về lâu dài, cần có các giải pháp căn cơ, hữu hiệu hơn, chỉ cho tồn tại các nhà máy nước bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng nước và giải thể các nhà máy kém chất lượng, để người dân nông thôn được sử dụng nước đúng tiêu chuẩn, với mức giá phù hợp, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân./.
Hồng Thanh