Print Thứ ba, 05/11/2019 10:21

Là quốc gia thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, trong đó có thực phẩm các loại. Nhưng hiện tại thị trường trong nước đang gặp nhiều khó khăn về mặt hàng thịt lợn, nhất là trong bối cảnh thị trường đang trôi về cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dịp tết Nguyên đán tăng cao.

Trước thực trạng này, vừa qua Bộ NN&PT nông thôn đã có động thái nhằm ngăn chặn làn sóng xuất khẩu tiểu ngạch lợn thịt sang Trung Quốc.

Cần phải thấy rằng, lợn là vật nuôi truyền thống có từ lâu đời, là món ăn phổ biến và chiếm tỷ lệ thuộc diện lớn nhất trong cơ cấu thực phẩm hàng ngày của người dân Việt, mà các loại thực phẩm khác không thể thay thế hoàn toàn.

Chính vì vậy, biến động của thị trường lợn thịt đã có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, cụ thể mức chênh lệch từ đáy 15 nghìn đồng năm 2017 đến đỉnh 63 nghìn đồng/kg lợn hơi hiện nay, chỉ trong vòng hai năm dường như chưa từng có tiền lệ.

Về nguyên nhân, sau cuộc khủng hoảng nặng nề về giá năm 2017, nhiều nhà chăn nuôi cả nước đã phải bỏ cuộc không dám tái đầu tư. Tiếp đó năm 2019, đợt dịch tả châu Phi lại như “dầu đổ vào lửa”, không chỉ làm tổn thất một lượng lớn đàn lợn, mà càng làm các nhà chăn nuôi nhụt chí.

Bối cảnh ấy đã dẫn đến tổng đàn lợn trong nước thâm hụt, trong khi có dấu hiệu cho thấy một lượng không nhỏ lợn thịt đang được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, khiến cán cân cung – cầu trong nước bị mất cân đối nghiêm trọng. Bởi vậy, giữa tâm dịch mà giá lợn hơi lên cao ngất ngưởng có thể xem như là một nghịch cảnh khó chấp nhận.

Trung Quốc có hơn 1,4 tỷ dân, nước họ cũng đang phải đối mặt với nạn dịch tả châu Phi như nước ta, đồng nghĩa với thâm hụt nguồn cung lợn thịt, nên thị trường Trung Quốc hút hàng từ Việt Nam là điều tất yếu.

Nhưng vấn đề đáng nói là, lẽ ra trong thời gian dài biến động của thị trường lơn thịt, chúng ta cần có một chiến lược cụ thể, một phần lo chống dịch, một phần tập trung tái tạo nguồn cung, đồng thời phải có giải pháp thắt chặt thị trường bao gồm cả xuất khẩu. Nhưng trên thực tế điều này chưa thực sự rõ nét.

Trở lại động thái của Bộ NN&PT nông thôn nêu trên, đây là việc hết sức cần thiết, nhưng giá như được đưa ra sớm hơn thì chắc hiệu quả sẽ cao hơn.

Mới thấy, trong sự vận động của kinh tế thị trường, chính sách vĩ mô cần hơn tính chủ động, bên cạnh những khái niệm “an ninh lương thực” hay “an ninh năng lượng”, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần lưu ý đến “an ninh thực phẩm”.

Hoàng Minh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc:  An ninh thực phẩm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác