Print Thứ tư, 15/01/2020 15:43 Gốc

Mỗi nghệ nhân trồng lan đều có những bí quyết của riêng mình để chăm hoa nở Tết. Cùng với mỗi bí quyết là câu chuyện dài, mang theo cả tâm huyết và đam mê của người trồng.

Theo lời giới thiệu của Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa lan Hải Phòng Nguyễn Văn Hưởng, chúng tôi đến thăm vườn lan của anh Đào Văn Quang (xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên), người được mệnh danh là “cây đa, cây đề” trong giới trồng lan. Ngõ nhỏ, sân nhỏ, nhà nhỏ chỉ vườn lan là rộng, dài. Hàng trăm giò lan được treo từ đầu ngõ hoặc xếp trải dài khắp nhà, hiên và khoảng sân trước cửa. Đáp lại tiếng reo vui thích thú của khách khi thấy lan rực rỡ khoe sắc, tỏa hương, anh Quang phấn khởi: “Có được những giò hoa nở Tết là cả quá trình công phu. Giò thì cần đẩy mạnh cây ra ngồng, ra nụ, chăm sao cho ra hoa mập, hoa khỏe. Giò ra nụ lại cân đối chất dinh dưỡng, ánh sáng, độ ẩm… Thế nên, khoảng ba tháng trước Tết, tôi luôn dậy sớm hơn ngắm nghía từng giò lan để có cách chăm sóc phù hợp”. Quay vòng với công việc che thêm lưới, tưới nước, tăng giảm lượng phân bón tác động về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… để lan có hoa nở đúng Tết. Anh Quang kể, anh chăm lan hơn chăm con mọn. Sự chăm chỉ, nỗ lực cùng với bí quyết riêng được rút ra từ thâm niên chơi và trồng hoa lan hơn 20 năm giúp anh Quang thành công khi có hơn 200 giò lan bán Tết với giá thành cao từ 200.000 đồng trở lên.

Anh Phạm Văn Đồi (công nhân làm vườn) đang ghép hoa vào chậu theo yêu cầu của khách.

Rời khu vườn lan mướt mát của anh Quang, chúng tôi đến với khu vườn Lãm Hà của anh Lê Xuân Hiến trên phố Đoàn Kết (phường Quán Trữ, Kiến An) với hàng nghìn giò lan xanh mướt được đưa vào trồng trong nhà kín. Nắn nót, chỉn chu xếp từng cốc lan vào chậu để ghép dáng, phối màu theo đơn đặt hàng, anh Lê Xuân Hiến chia sẻ: “Năm nay, vườn tôi có gần nghìn cốc lan ra hoa đúng vụ Tết. Ngồng hoa to, mập mạp có từ 9 đến 15 hoa. Với kỹ thuật sốc lạnh trong nhà kín có đủ các thiết bị từ điều hòa, quạt, nhiệt kế, ẩm kế, lưới đen…, tất cả cây lan hồ điệp đều ra ngồng và cho hoa nở đúng dịp Tết”. Nói thì dễ nhưng làm mới khó. Để có được bí quyết riêng của mình, anh Hiến trải qua nhiều vụ Tết lao đao với chuyện nở sớm, nở muộn của hoa. Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa lan Hải Phòng Nguyễn Văn Hưởng khẳng định: “Anh Hiến là một trong số ít các chủ vườn có thể chủ động cho ra hoa một loài lan có giá trị cao nhưng khó trồng, khó kiểm soát thời điểm ra hoa như lan hồ điệp. Có được bí quyết ấy là cả quá trình công phu đầu từ từ vật chất, công sức và tâm tư của chủ vườn hàng chục năm trời”.

Vườn hoa rực rỡ khoe sắc trong nhà kín của anh Lê Xuân Hiến.

Nhu cầu hoa lan Tết ở Hải Phòng rất lớn. Thành phố đang phải nhập nhiều loài lan, không những ở các tỉnh thành khác mà còn ở một số nước khác như: Nhật Bản, Đài Loan… Ngoài một số nhà vườn lớn của anh Đào Quang Trịnh (xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên), anh Nguyễn Văn Hùng (xã Hồng Thái, huyện An Dương), anh Nguyễn Văn Tuấn (phường Tràng Minh, quận Kiến An)… cung cấp số lượng lớn, các nhà vườn khác vẫn phải nhập thêm về bán để giữ khách quen. Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh Hải Phòng Nguyễn Duy Tiếp chia sẻ: “Trong nhiều năm tới, các nhà vườn, nghệ nhân sinh vật cảnh tích cực hướng tới sản xuất nhiều loài hoa cao cấp, phù hợp với thổ nhưỡng của đất Cảng. Cùng với đó, áp dụng công nghệ cao như nhà kính, nuôi cấy mô, nhân giống và bảo quản giống trong kho lạnh…, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu người chơi lan đất Cảng và tiến tới xuất bán các tỉnh thành phố khác, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về”./.

Cúc Phương/Theo Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện người trồng lan chăm hoa nở
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác