Print Chủ Nhật, 22/10/2023 15:35 Gốc

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuyển hồ sơ vi phạm của 2 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đề nghị cơ quan công an điều tra do vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dẫn đến việc tội phạm chiếm đoạt sim, lợi dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Việc xử lý triệt để sim không chính chủ, hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác là nội dung đáng chú ý trong báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) vừa gửi tới Quốc hội.

Theo đó, trong năm 2022, Bộ TTTT đã tổ chức kiểm tra 7 doanh nghiệp viễn thông di động, xử phạt 2,925 tỉ đồng đối với 7 doanh nghiệp và 39 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (tăng 2,92 lần so với kết quả xử lý 5 năm trước).

Bộ đã 2 lần ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh đối với người đứng đầu doanh nghiệp do để xảy ra vi phạm về quản lý thông tin thuê bao.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phạm Thắng/QH.

Trong báo cáo này, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đã chuyển hồ sơ vi phạm của 2 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đề nghị cơ quan công an điều tra do vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dẫn đến việc tội phạm chiếm đoạt sim, lợi dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Bộ TTTT đã cùng các cơ quan báo chí, các nhà mạng triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến cho người dân, người dùng về việc phòng, chống, xử lý sim có thông tin không đúng quy định.

Từ đó đề nghị người dân phối hợp với các doanh nghiệp để chuẩn hóa, chính xác thông tin thuê bao, chung tay xử lý vấn đề sim có thông tin không đúng quy định.

Đồng thời, bộ cũng cảnh báo kịp thời tới người dùng các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua Cổng thông tin điện tử chongthurac.vn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tính đến hết ngày 5.12.2022, Viettel, VNPT và MobiFone đã hoàn thành việc kết nối và đối soát xong toàn bộ các giấy tờ cá nhân đang có trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với 78.688.486 giấy tờ (tương ứng với 126.153.590 thuê bao).

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đã rà soát, xác định hơn 3,84 triệu thuê bao có dấu hiệu có thông tin thuê bao không đúng quy định. Và đến hết ngày 15.5.2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã chủ động triển khai các biện pháp (về công nghệ, về nhân công…) và xử lý xong 3,84 triệu thuê bao thuộc tập này.

Trong đó, hơn 2,85 triệu thuê bao (74,21%) thực hiện chuẩn hóa; hơn 985 nghìn thuê bao (25,79%) chưa thực hiện chuẩn hóa theo thông báo đã bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông, thu hồi số thuê bao.

Với các trường hợp giấy tờ có thông tin chưa trùng khớp, Bộ TTTT đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động xây dựng biện pháp, kế hoạch chuẩn hóa thông tin thuê bao sau khi đối soát như sử dụng công nghệ (AI, OCR) trong việc bóc tách, so khớp thông tin khách hàng, giấy tờ tùy thân.

Từ đó, thông báo đề nghị khách hàng cập nhật, chuẩn hóa (trực tiếp/trực tuyến) xử lý theo quy định.

Trong năm 2023, Bộ TTTT sẽ tập trung tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công an, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc đối soát, hoàn thành chuẩn hóa lại các thông tin còn chưa trùng khớp, chưa có thông tin giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời xử lý triệt để sim không chính chủ; tiếp tục chủ động có các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Phạm Đông

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyển hồ sơ vi phạm của 2 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sang công an
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác