Print Thứ Hai, 07/10/2019 16:03

Chuyên gia cho rằng, 2 cọc gỗ vừa phát hiện ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) nhiều khả năng là cọc Bạch Đằng và là cọc nguyên liệu.

2 chiếc cọc nghi là cọc Bạch Đằng vừa được ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) tìm thấy khi đào vườn. Cọc có chiều dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm. Người dân cho rằng, đây có thể là cọc gỗ niên đại hơn ngàn năm và liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng.

Nhận được tin báo, đại diện Sở VH-TT Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên và Bảo tàng Hải Phòng đã đến lấy mẫu để giám định. Trong khi chờ kết quả, 2 chiếc cọc được bảo quản tại UBND xã Liên Khê.

TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, cho biết đã nhận được thông tin về 2 chiếc cọc này. “Nhìn khuôn khổ của cọc, màu của cọc, tình trạng phát hiện, vị trí phát hiện, chính tôi cũng ngờ là có liên quan. Tôi cũng trao đổi với Hội đồng Di sản quốc gia về việc này. Theo kinh nghiệm của tôi, bước đầu phải ngâm bảo quản cọc trước khi có các hoạt động khác. Thêm đó, đề nghị Bảo tàng Hải Phòng xin tỉnh một nguồn kinh phí xác định các bon cacbon phóng xạ, để xác định đúng niên đại. Nếu đúng là cọc Bạch Đằng, thì nó sẽ rơi vào khoảng thế kỷ 13”, ông Việt nói.

Hiện tại, việc xác định niên đại chi phí cho 1 mẫu khoảng 3 – 4 triệu đồng.

Là người đã nghiên cứu hàng trăm cọc gỗ Bạch Đằng, ông Việt cho biết: “Chúng tôi cũng đã nghiên cứu hàng trăm cọc gỗ nên việc cảm nhận cũng quen rồi. Mới nhìn ảnh, thấy khuôn khổ, đường kính, màu sắc có vẻ là cọc Bạch Đằng”.

Cũng tại địa điểm cách nơi người dân phát hiện 2 chiếc cọc này không xa, ở Phả Lại, 2 năm trước ông Việt và đồng nghiệp cũng phát hiện 1 cọc gỗ.

Điều quan trọng đối với 2 chiếc cọc gỗ nghi cọc Bạch Đằng mới tìm thấy, theo ông Việt, là nó có thể là cọc nguyên liệu. Điều này có thể liên quan đến việc chuyển cọc về Bạch Đằng từ khắp nơi.

Hàng vạn cọc đã đóng trong 3 đợt kháng chiến. Thế nào cũng có vận chuyển cọc về từ khắp nơi, chứ không chỉ ở Quảng Yên mà đủ từng đó cọc. Nên cọc này có thể liên quan đến việc chở cọc từ thượng nguồn về. Hai là cọc này cũng có vẻ là cọc nguyên liệu. Nghĩa là chưa phải cọc đóng để chống quân địch đâu. Cọc này sau đó sẽ phải tiếp tục xử lý kỹ thuật rồi mới đóng xuống được”, ông Việt nói.

Nguồn: Báo Thanh niên

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyên gia nói gì về 2 cọc gỗ nghi là cọc Bạch Đằng ở Hải Phòng?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác