Y tế

Chuyên gia giáo dục chỉ cách để con tránh xa với thuốc lá điện tử

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên và cả học sinh tiểu học hút thuốc lá điện tử đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân các em mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn bè và người xung quanh.

Mới đây, vụ việc 8 học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nhập viện do nghịch thuốc lá điện tử trong lớp học giờ nghỉ trưa tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của các loại thuốc lá điện tử đến sức khỏe của trẻ.

Thực tế, vụ việc học sinh hút thuốc lá điện tử phải nhập viện xảy ra tại Trường tiểu học Hoàng Liệt gần đây không phải lần đầu. Trước đó, đầu tháng 12 năm nay, BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch máu chậm sau khi uống dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.

Hay một nam học sinh 12 tuổi ở Hà Nội cũng phải vào cấp cứu tại BV Nhi Trung ương trong tình trạng khó thở, co giật, run tay, chân, chóng mặt. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử nam học sinh này sử dụng gửi đến Viện Pháp y Quốc gia để tìm độc chất. Kết quả cho thấy, mẫu có thành phần của một số chất gây nghiện.

Cảnh báo về tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử ngày càng nhiều.

Hay vụ việc 7 nữ sinh lớp 11 Trường THPT Yên Hưng Quảng Yên (Quảng Ninh) mang theo thuốc lá điện tử đến lớp và rủ các bạn hút cùng. Đến khi gần vào tiết 1, cả 7 em đều có biểu hiện chóng mặt, nôn trong lớp và được đưa tới Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên. Công an thị xã Quảng Yên xác nhận, qua lấy mẫu xét nghiệm đối với 7 nữ sinh đều cho kết quả âm tính với ma túy và các chất kích thích.

Cha mẹ cần làm gì?

Theo TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, phần quan trọng nhất mà cha mẹ cần phải đảm nhận là giáo dục ý thức đạo đức và rèn kỹ năng sống cho con.

Thuốc lá điện tử chỉ là 1 nguy cơ chứ không phải là duy nhất. Dạy con về các nguy cơ là cần thiết, các bậc phụ huynh không nên bỏ qua. Thay vì học suốt ngày, các con cần tham gia nhiều hơn các hoạt động như: trồng cây, vệ sinh lớp học, làm việc nhà, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động cộng đồng. Khi đó, các con sẽ đỡ quan tâm đến các trò nguy hiểm“.

Để giúp con tránh xa với thuốc lá điện tử, theo TS. Vũ Thu Hương, các bậc cha mẹ cùng con tìm hiểu về thuốc lá điện tử. Dựa trên các thông tin khoa học nghiêm túc, cha mẹ và con sẽ cùng tìm hiểu kỹ các thông tin như: Thuốc lá điện tử là gì, thuốc lá thường là gì; Sự khác biệt của thuốc lá và thuốc lá điện tử; Các loại hóa chất có thể được sử dụng trong thuốc lá điện tử; Tác hại của thuốc lá thường, thuốc lá điện tử; Hình dáng thuốc lá điện tử; Các nguồn cung cấp thuốc lá điện tử trong trường học.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần thảo luận với con về các cách phát hiện và ứng phó khi bị dụ dỗ thử thuốc lá điện tử. Phương pháp là bố mẹ dựng lên các kịch bản dụ dỗ khác nhau và cho con ứng xử xem có ổn không. Làm liên tục trong vài buổi là các con sẽ có kỹ năng nhận diện và ứng phó kịp thời khi bị dụ dỗ.

Còn theo PGS.TS. Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), qua các sự việc trẻ bị ngộ độc bởi thuốc lá điện tử thời gian gần đây cho thấy nhiều bậc phụ huynh còn thiếu kiểm soát con cái. Vấn đề tuyên truyền về các tệ nạn xã hội cần bắt đầu từ sớm và việc thực hiện các quy tắc an toàn trường học cần thực tế chứ không chỉ nằm trên giấy.

PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng: “Vấn đề an toàn trường học cần được quan tâm nhiều hơn. Từ an toàn dinh dưỡng thực phẩm, an toàn ra vào trường học, an toàn về tâm lý của học sinh cũng phải đặt ra ở mỗi nhà trường“.

Theo Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), gần đây, tội phạm ma tuý đã chế tạo những chất ma tuý mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, dùng dụng cụ thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép.

Nhiều mẫu thuốc lá điện tử trên thị trường với hình dáng bắt mắt, nhỏ gọn.

Các chất ma tuý mới bao gồm: 1eP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA. Các chất ma tuý này khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người xung quanh không may uống nhầm.

Thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi. Trẻ em không may nuốt, uống, hoặc hấp phụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật. Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong. Chúng ta cần cẩn trọng cả với những sản phẩm bao bì ghi không chứa nicotine nhưng thực chất chúng vẫn có.

Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hoá học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hoá chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi. Trong một số tình huống ít gặp hơn, pin của thuốc lá điện tử có thể cháy nổ và gây bỏng cho người sử dụng.

Đỗ Vi

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More