Y tế

Chuyển đổi số trong điều trị, quản lý F0 tại nhà: Người dân hưởng lợi, nhân viên y tế đỡ áp lực

Hiện số ca F0 tăng cao, trong đó 95% số ca được điều trị tại nhà. Để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố, Sở Y tế chủ động phối hợp Công ty Mobifone, Công ty FPT thực hiện hệ thống Tổng đài tư vấn hỗ trợ điều trị chăm sóc F0 và thí điểm phần mềm quản lý F0 tại nhà. Qua đó, đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân và giảm tải áp lực đối với lực lượng y tế tuyến cơ sở.

Hiệu quả rõ rệt

Giữa tháng 01/2022, Trạm y tế lưu động phường Đông Khê (quận Ngô Quyền) được Sở Y tế chọn thí điểm triển khai phần mềm quản lý, điều trị F0 tại nhà. Sau hơn một tháng thực hiện, bước đầu phần mềm phát huy hiệu quả, giảm tải áp lực đối với nhân viên y tế và đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. “Phần mềm giúp nhân viên y tế dễ dàng nắm thông tin và phân loại sức khỏe của F0 thông qua bộ tiêu chí sàng lọc của hệ thống; nhận cảnh báo tức thời đối với các trường hợp người bệnh chuyển nặng. Đối với các F0 khi đăng ký trên phần mềm cũng được tiếp cận thông tin hỗ trợ và điều trị, như: nhận đơn thuốc, theo dõi giờ uống và kiểm tra sức khỏe trực tuyến… Qua thực hiện thí điểm phần mềm tại cơ sở cho thấy, phần mềm xử lý nhanh, kịp thời và không bỏ sót thông tin từ các F0“, bác sĩ Đào Phương Trà, phụ trách Trạm Y tế lưu động phường Đông Khê cho biết.

Ngoài phần mềm này, từ 17/12/2021 đến nay, Sở Y tế cũng đưa vào hoạt động hệ thống Tổng đài tư vấn hỗ trợ điều trị, chăm sóc F0 (0904.079.888), kết hợp trí tuệ nhân tạo AI với 10 nhân viên tư vấn, thực hiện 77 chiến dịch gọi bằng công nghệ AI để gọi tư vấn đối với 89.160 trường hợp F0. Theo thống kê, tính đến ngày 20/02/2022, tổng đài tiếp nhận 21.514 cuộc gọi ra/vào, gồm: 20.487 cuộc gọi từ người bệnh F0 lên tổng đài; 1.028 cuộc gọi từ tổ tư vấn đến người bệnh F0 để hỗ trợ chăm sóc.

Theo Phó chánh Văn phòng Sở Y tế Trần Quốc Toàn, từ ngày 10/01/2022, Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện thí điểm phần mềm quản lý F0 tại nhà. Phần mềm được đưa lên trang thông tin điện tử https://chamsocsuckhoe.haiphong.gov.vn.

Theo đó, hệ thống được tích hợp tin nhắn Brandname của Công ty Mobifone để nhắn tin tới các F0 đang điều trị tại nhà và nhân viên y tế cơ sở trong trường hợp sức khoẻ người bệnh có triệu chứng, diễn biến tăng nặng. Theo thống kê, tính đến 15 giờ ngày 22/02, phần mềm quản lý F0 tại nhà theo dõi 158.560 người bệnh, trong đó 98.668 người bệnh đang điều trị tại nhà, 7.814 người đang điều trị tại cơ sở thu dung, 50.890 người kết thúc điều trị và 46 người chờ chuyển tuyến.

Lực lượng chức năng khảo sát, đánh giá việc sử dụng phần mềm quản lý, điều trị F0 tại nhà tại Trạm Y tế lưu động xã An Đồng (huyện An Dương).

Quan tâm duy trì vận hành hệ thống

Qua triển khai hệ thống Tổng đài tư vấn hỗ trợ điều trị, chăm sóc F0 và triển khai thí điểm phần mềm quản lý F0 tại nhà thời gian qua góp phần kết nối hỗ trợ nhân viên y tế và người dân. Cụ thể, hệ thống giúp người bệnh F0 được tư vấn, hướng dẫn điều trị, chăm sóc sức khỏe kịp thời, còn nhân viên y tế quản lý người bệnh F0 khoa học hơn. Các trung tâm y tế quận, huyện, trạm y tế cũng chủ động được việc quản lý, theo dõi người bệnh điều trị tại nhà, nhất là đối với những người bệnh có “cảnh báo đỏ“.

TS.BS. Ngô Anh Thế, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp), được giao quản lý Tổng đài tư vấn hỗ trợ điều trị, chăm sóc F0 cho biết: “Mặc dù mới hoạt động, nhưng tổng đài nhận được nhiều lời cảm ơn và khen ngợi từ phía người bệnh cũng như nhân viên y tế khi người tiếp nhận các cuộc gọi là các bác sĩ có chuyên khoa“. Còn hệ thống phần mềm quản lý F0 tại nhà đem tới lợi ích thiết thực đối với người bệnh và giảm tải áp lực đối với lực lượng y tế tuyến cơ sở thông qua hệ thống tin nhắn. Việc ứng dụng phần mềm còn giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức trong việc hoàn thành hồ sơ của người bệnh F0; lưu trữ toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh, sử dụng thuốc, thời gian điều trị của từng người bệnh, giúp cho việc thanh quyết toán cũng như công tác nghiên cứu khoa học, kiểm tra, đánh giá sau này.

Thời gian tới, dự báo số người bệnh F0 tiếp tục tăng, việc duy trì 2 hệ thống hỗ trợ người dân và phục vụ công tác quản lý rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm từ tháng 12/2021 đến hết tháng 02/2022, Công ty Mobifone tài trợ toàn bộ kinh phí (khoảng 325 triệu đồng). Từ tháng 03/2022, kinh phí vận hành 2 hệ thống này không còn được Công ty Mobifone tài trợ. Để 2 hệ thống được duy trì vận hành bảo đảm thông suốt, kịp thời, Sở Y tế đề xuất, báo cáo UBND thành phố quan tâm bố trí nguồn kinh phí vận hành. Cụ thể, kinh phí để duy trì 2 hệ thống trong năm 2022, với số lượng trung bình F0 khoảng 5.000 ca/ngày khoảng hơn 5,6 tỷ đồng, gồm chi phí duy trì thuê bao (10 sim điện thoại), chi phí Tổng đài tư vấn điều trị F0 AI gọi ra; chi phí tin nhắn SMS Brandname từ phần mềm quản lý F0; chi phí vận hành phần mềm./.

Bài và Ảnh: Việt Hoàng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

Hải Phòng sẵn sàng cho Chợ Tết công đoàn quy mô lớn năm 2025

Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…

10/01/2025

Hải Phòng thông tin hội thi Vật dân tộc thời Mạc lần thứ 4

Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…

10/01/2025

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu tiếp xã giao Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

10/01/2025

Tiếp nhận “Kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự” trên ứng dụng VNeID

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More