Sáng cuối thu, buổi hội ngộ thân tình của những người đầu tiên triển khai bảo hiểm y tế tại Việt Nam diễn ra với những cái nắm tay thật chặt. Câu chuyện đi “bán” bảo hiểm ùa về bên tách trà ấm thơm trong phòng họp nhỏ của Bảo hiểm xã hội huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Vóc dáng nhanh nhẹn, ông Đào Xuân Thạo, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, kể lại câu chuyện 30 năm trước, khi Hải Phòng là nơi đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm bảo hiểm y tế. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chọn và giao cho Thủy Nguyên là nơi đầu tiên của thành phố thực hiện chính sách này. “Khi đó, nhận nhiệm vụ chúng tôi cũng lo lắng lắm, vì mình làm nhưng cũng chưa biết bảo hiểm là thế nào”, ông Thạo vẫn nhớ như in cảm xúc lần đầu tiên đưa chính sách bảo hiểm y tế vào cuộc sống.
“Khoảng đầu tháng 10.1989, hội nghị triển khai bảo hiểm y tế tại Thủy Nguyên đã được tổ chức với gần 200 cán bộ chủ chốt của toàn huyện tham dự để quán triệt. Tại hội nghị, bản thân tôi và anh Nguyễn Xuân Phiến (khi đó là Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên) đã mua bảo hiểm y tế. Vì mình là lãnh đạo thì phải làm gương tham gia trước chứ. Do đó, thẻ bảo hiểm sức khỏe của tôi mang số 1 và thẻ của anh Phiến mang số 2”, ông Thạo nhớ lại.
Ông Phiến bộc bạch: “Lúc đó, chúng tôi đều lần đầu triển khai và làm quen với bảo hiểm y tế, thực sự chưa hiểu rõ ngọn ngành. Nhưng quyết tâm và cũng xác định muốn thành công, muốn bà con tin tưởng tham gia bảo hiểm y tế thì lãnh đạo, đảng viên phải đi đầu làm gương. Sau hai chúng tôi, gần 200 cán bộ chủ chốt của toàn huyện cũng đã mua thẻ bảo hiểm y tế ”.
Là một trong những người trực tiếp cùng các cán bộ vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế , ông Đinh Trọng Thắng, nguyên Phó giám đốc Bảo hiểm y tế Hải Phòng, xúc động: “Ngày đầu vận động người mua thẻ vô cùng khó khăn, vì bảo hiểm y tế hoàn toàn mới mẻ. Làm sao để mọi người chấp nhận bỏ tiền tham gia bảo hiểm y tế từ khi còn khỏe, trong khi đời sống người dân còn rất khó khăn là không dễ. Chưa kể những tiêu cực tại các cơ sở khám chữa bệnh khi đó cũng ảnh hưởng đến sự tin cậy của người dân”.
“Chúng tôi cùng nhau đi vận động người dân trên khắp huyện Thủy Nguyên chỉ bằng xe đạp, có xã xa 30-40 cây số cũng chỉ đạp xe. Rời nhà từ sớm tinh mơ, trở về khi đã tối khuya, chúng tôi có những bữa trưa là bỏng ngô kèm với nước uống xin của người dân. Không chỉ có những lúc đói meo mà còn là những ngày thời tiết nắng gắt hay những cơn mưa lớn ập xuống. Các cán bộ của chúng tôi chỉ có thể trú mưa vội dưới hiên nhà, đỡ mệt, ngớt mưa rồi lại tiếp tục hành trình”, ông Thắng nhớ về những vòng xe miệt mài trong mưa nắng từ 30 năm trước.
“Rồi những cuộc họp nông dân tuyên truyền về bảo hiểm y tế được triển khai tại tất cả các xã, trên cánh đồng, tại sân kho, thậm chí trên những chiếc thuyền thúng đi câu trên biển của ngư dân; tại các gia đình sau giờ gặt hay sau bữa cơm tối. Không kể thời gian và địa điểm, cứ tập hợp được nông dân là cán bộ đến để tuyên truyền”, vị Phó giám đốc đầu tiên của Bảo hiểm y tế Hải Phòng vẫn nguyên nhiệt huyết khi nhắc lại hành trình 30 năm trước.
Ông Thắng cho hay, 30 năm qua, trong số những người đầu tiên triển khai bảo hiểm y tế, có người vẫn ở lại Thủy Nguyên, nhưng cũng có người chuyển về Hà Nội, hay vào thành phố Hồ Chí Minh cùng con cháu. Nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với nhau từ những ngày gian khó nhất, vẫn luôn dành cho nhau những buổi gặp gỡ giản dị. Thậm chí, nếu phải đi xa sẽ nhờ người thân hỗ trợ chuyến xe.
Đón các anh em cán bộ cũ tới thăm nhà, bà Nguyễn Thị Bảy, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cùng các cán bộ cấp dưới của mình ôn lại nhiệm vụ khó khăn từ 30 năm cũ.
Bà Bảy kể: “Năm 1989 Hải Phòng, mà huyện Thủy Nguyên là nơi đầu tiên của cả nước thí điểm triển khai bảo hiểm y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó là giáo sư Phạm Song chỉ đạo thực hiện, nhưng người trực tiếp tổ chức thí điểm là các anh Bùi Thành Chi và Đinh Trọng Thắng. Đó cũng là giám đốc và phó giám đốc bảo hiểm y tế Hải Phòng ngày đầu thành lập năm 1989”.
Đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng bà Bảy vẫn nhớ những cán bộ được bà và lãnh đạo thành phố giao công việc. Bà bảo: “Trực tiếp họp bàn công việc với các anh em, mình yên tâm tắm. Ai cũng vô tư, cứ được giao nhiệm vụ là ngày đêm lo làm, bền bỉ vận động người dân mua bảo hiểm. Lúc đó bảo hiểm y tế muôn phần khó vì tiền lệ, chưa từng có ai phải bỏ tiền ra lo cho sức khỏe khi mình vẫn đang khỏe mạnh. Không như bây giờ, như ai cũng thấy, bảo hiểm y tế vô cùng cần thiết.”
“Không chỉ quyết tâm mà còn quản lý tài chính giỏi. Hồi đó, công phu nhất là dự thảo đề án bảo hiểm sức khỏe. Anh Bùi Thành Chi được giao chịu trách nhiệm soạn thảo, đưa ra các phương án thu chi, quản lý tài chính rất rành rẽ, thông minh”, bà Bảy nhắc lại những công việc góp phần khai mở con đường bảo hiểm y tế tại Việt Nam.
Dù đã nghỉ hưu gần 10 năm nhưng vẫn giữ nguyên vẹn tâm huyết của những ngày đầu bắt tay viết đề án bảo hiểm y tế, ông Bùi Thành Chi, nguyên Giám đốc đầu tiên của Bảo hiểm y tế Hải Phòng, cũng là cơ quan quản lý đầu tiên về bảo hiểm y tế tại Việt Nam, bày tỏ: “Đề án là tâm huyết nhưng cũng rất lo lắng, vì bảo hiểm y tế hoàn toàn mới mẻ ở đất nước chúng ta. Suốt 90 ngày chuẩn bị cho thí điểm bảo hiểm y tế (từ tháng 6 – 9.1989) là thử thách lớn với chúng tôi. Làm việc một ngày không dưới 12 tiếng, cứ 3 giờ sáng là đã thức dậy biên tập tài liệu chuẩn bị các nội dung làm việc, giải trình với các cấp, các ngành”.
Đề án bảo hiểm y tế khi đó lên phương án thu phí 4.000 đồng (tương đương khoảng 5 kg gạo – phóng viên)/người/năm ở nông thôn; 8.000 đồng/người/năm ở thành thị. Để khuyến khích các gia đình tham gia, mức giá mua thẻ bảo hiểm y tế được giảm từ 1/3 – 1/2 so với mua cá nhân: giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/cho các gia đình từ 2-12 người; người bệnh bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán các chi phí khi khám chữa bệnh (trừ ăn uống và thuốc bổ).
“Ngay từ đầu chúng tôi đã đưa ra ý tưởng người mua thẻ bảo hiểm y tế có thể nằm điều trị ở các tỉnh khác vì lâu dài bảo hiểm y tế sẽ triển khai trên cả nước. Nguyên tắc chung nhất của bảo hiểm y tế là nhân đạo, huy động nghĩa vụ xã hội của mỗi người, nhiều người giúp một người”, ông Đinh Trọng Thắng, cho biết thêm.
Sau 3 năm 1989 – 1992, Hải Phòng triển khai cả hai loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện và bắt buộc tại 9/12 quận huyện, gần 2.000 công ty xí nghiệp, trường học với gần 300.000 thẻ bảo hiểm y tế được phát hành. Có xã như Tam Đa (huyện Vĩnh Bảo) đạt đến 90% dân số mua bảo hiểm y tế ; 21 bệnh viện, 23 phòng khám đa khoa tham gia khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế .
“Mỗi giai đoạn, người làm bảo hiểm y tế có đóng góp khác nhau. Nhưng chúng tôi luôn tin rằng, chính sách thực sự vì người dân thì sẽ còn mãi”, ông Chi bày tỏ.
Sau khi thành phố Hải Phòng thí điểm thành công, bảo hiểm y tế được Chính phủ cho phép triển khai mở rộng đến các tỉnh thành trên cả nước. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện ước có 89% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Số người tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng dần hàng năm, đã có gần 180 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm 2018. Tại nhiều bệnh viện, nguồn thu chi cho các hoạt động khám chữa bệnh từ bảo hiểm y tế chiếm đến 80%.
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19/12, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ…
Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More