Từ chỗ phải chờ đợi nửa ngày để được nộp phí hạ tầng cảng biển, doanh nghiệp giờ đây chỉ phải thao tác trên máy trong vòng 2 phút.
Trong loạt bài “Vì sao Hải Phòng đứng số 1 cả nước về cải cách hành chính?“, PV Báo Giao thông đã ghi nhận, các cơ quan, ban, ngành của Hải Phòng đã có nhiều cách làm mới sáng tạo, đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, trong đó ngành giao thông Hải Phòng là điểm sáng nổi bật nhất của khối các sở, ngành thành phố.
Chính từ những câu chuyện tưởng như nhỏ bé ấy, mà năm 2021, với kết quả đạt 91,80%,Hải Phòng lần đầu bứt phá lên ngôi vị quán quân chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) trong số các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành được khảo sát, đánh giá.
Ngồi nhà nộp phí thay vì nửa ngày làm thủ tục
Có một lô hàng cần thông quan qua cảng Đình Vũ (Hải Phòng), chị Nguyễn Thị Duyên, cán bộ một công ty xuất nhập khẩu ngồi vào máy tính để làm thủ tục nộp phí hạ tầng cảng biển.
Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, chị Duyên đã thực hiện hàng loạt công việc như khai báo thông tin tờ khai nộp phí hạ tầng cảng biển đến hệ thống thu phí của UBND TP Hải Phòng (hệ thống thu phí); lấy mã lệnh, tra cứu thông tin về số tiền phí hạ tầng phải nộp tại Cổng thanh toán điện tử 24/7 của Tổng cục Hải quan; nộp tiền phí qua hệ thống ngân hàng, nhận thông điệp chuyển tiền từ ngân hàng sang kho bạc Nhà nước…
Công việc hoàn thiện khi hệ thống Cổng thanh toán điện tử 24/7 của Tổng cục Hải quan thông báo đã nhận được thông tin nộp phí hạ tầng cảng biển. Tổng số thời gian chị Duyên thao tác trên máy tính để hoàn thiện một loạt thủ tục nêu trên chỉ mất 2 phút.
Cũng với thủ tục nộp phí hạ tầng cảng biển này, hơn 2 năm trước, giống như nhân viên của hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác, chị Duyên phải mất nửa ngày, chầu chực để thực hiện.
Thực hiện Luật Phí và lệ phí,TP Hải Phòng tổ chức thu phí hạ tầng cảng biển từ năm 2017. Nguồn phí này là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần đầu tư trở lại hệ thống hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Khi đó, thành phố giao quận Hải An trực tiếp tổ chức thu phí với sự hỗ trợ, phối hợp của Sở Tài chính, Cục Hải quan Hải Phòng.
Để bảo đảm thu phí, quận Hải An tổ chức tới 16 điểm thu phí trên địa bàn thành phố với sự tham gia của hơn 100 người.
Ngày đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chen chúc, xếp hàng chờ đợi tại các điểm thu phí để được nộp phí, nhận biên lai rồi tất tả mang biên lai về nộp tại hải quan. Hệ thống thu phí sớm bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập do sử dụng bộ máy nhân lực lớn, hình thức thu vẫn nặng về thủ công.
Việc thu phí thủ công như trên gây nên rất nhiều phiền hà cho doanh nghiệp vì mất rất nhiều thời gian, chờ đợi. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chủ hàng, chủ tàu đòi hỏi khung thời gian rất chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp đã từng bức xúc phản ánh việc họ bị đối tác phạt vì không kịp làm thủ tục nộp phí hạ tầng cảng biển dẫn tới chậm làm thủ tục hải quan, hàng không kịp xuất, nhập đúng tiến độ.
10 người thay hơn 100 người thu phí
Trong 3 năm từ 2017-2019, tại 16 điểm thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng dễ dàng bắt gặp cảnh hàng trăm người chen chúc làm thủ tục nộp phí. Cuối ngày, nhân viên thu phí vác từng bao tiền tới nộp kho bạc. Dù hơn 100 nhân viên làm việc cật lực mỗi ngày nhưng hiệu quả không cao, tồn tại nhiều rủi ro, hơn nữa việc tạo điểu kiện phục vụ doanh nghiệp rất hạn chế.
Trước thực trạng đó, từ cuối năm 2019, UBND TP Hải Phòng quyết định chuyển giao nhiệm vụ thu phí từ UBND quận Hải An sang Sở Tài chính đồng thời nghiên cứu xây dựng mô hình thu phí tự động, rút dần các điểm thu phí trực tiếp.
Trong quá trình đó, từ năm 2020, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Hải Phòng để hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống thu phí tự động, chuẩn bị kỹ càng, căn cơ các bước để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các điểm thu phí, chuyển sang thu phí tự động, không dùng tiền mặt.
Nhằm thực hiện 1 bước chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa công tác thu phí, từ ngày 22/7/2021, UBND TP Hải Phòng quyết định chuyển giao nhiệm vụ thu phí hạ tầng cảng biển từ Sở Tài chính sang Sở GTVT. Chỉ 8 ngày sau (ngày 1/8/2021), TP Hải Phòng quyết định dừng thu phí hạ tầng cảng biển bằng tiền mặt.
Sau khi nhận nhiệm vụ thu phí hạ tầng cảng biển, Sở GTVT Hải Phòng giao cho Cảng vụ Đường thuỷ nội địa Hải Phòng làm cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ thu phí.
Thực hiện một nhiệm vụ hoàn toàn mới, Cảng vụ Đường thuỷ nội địa Hải Phòng tập trung nhân lực thực hiện nhiệm vụ.
Ông Vũ Văn Hưng, Trưởng phòng Tổng hợp, Cảng vụ Đường thủy nội địa Hải Phòng cho biết: Việc thu phí hạ tầng cảng biển đòi hỏi một khối lượng công việc khổng lồ. Tuy vậy, với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ nên công tác thu phí đảm bảo thông suốt. Để thực hiện kết nối với các đầu mối, một đường truyền mạng chuyên dùng được nối từ Cục Hải quan Hải Phòng tới Sở GTVT.
Theo ông Hưng, hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển gồm nhiều phần mềm kết nối liên thông giữa các đơn vị: Cổng thanh toán điện tử 24/7 của Tổng cục Hải quan; các ngân hàng; hệ thống tài khoản của Kho bạc Nhà nước.
Toàn bộ các khâu thu phí hạ tầng cảng biển đều tự động từ khâu doanh nghiệp khai báo, chuyển phí qua ngân hàng, chuyển tiền vào kho bạc, thông quan… chỉ mất khoảng 2 phút. Tuy vậy, hiện có gần 40 nghìn doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu qua khu vực cảng Hải Phòng.
Cảng vụ đường thủy nội địa Hải Phòng duy trì hơn 10 người vận hành hệ thống, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thu phí hạ tầng cảng biển. Có những thời điểm có tới 4.000-5.000 doanh nghiệp đồng loạt làm thủ tục nộp phí hạ tầng cảng biển nên xảy ra sự cố nghẽn mạng.
“Những lúc đó, chúng tôi phải giải quyết sự cố rất vất vả vì mục tiêu tạo điều kiện nhanh nhất cho doanh nghiệp làm thủ tục đồng thời thực hiện việc thu đúng, thu đủ, chống thất thoát. Và mục tiêu 10 người thay hơn 100 người, ngồi nhà chỉ mất vài phút nộp phí hạ tầng cảng biển đã hoàn thành“, ông Hưng nói.
Việt Hòa