Print Chủ Nhật, 28/11/2021 07:19 Gốc

Tối 27/11, Đoàn Ca Múa Hải Phòng tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc đợt I năm 2021 với chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Nữ tướng Lê Chân”.

Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, Kịch bản văn học Lê Thu Hạnh, Chỉ đạo nghệ thuật Tổng đạo diễn Nhạc sỹ Chu Tâm Huy, Kịch bản và Đạo diễn sân khấu NSƯT Lê Khánh Toàn, Đạo diễn âm nhạc Nhạc sỹ Huyền Trung… cùng tập thể hơn 40 nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Ca Múa Nhạc Hải Phòng. Trong đó, các vai diễn chính được thực hiện bởi các nghệ sĩ: Hoàng Ánh (vai Lê Chân khi trưởng thành), Lê Cường (vai Đặng Phong), Đặng Chương (vai Lê Đạo, tức cha Lê Chân), Bích Liên (vai Trần Thị Châu, tức mẹ Lê Chân), Tuấn Long (vai Thái Thú Tô Định)…

Lê Chân bên cha mẹ.
Nhân vật Đặng Phong.

Vở diễn gồm 3 chương “Nợ nước thù nhà”, “An Biên trang” và “Rửa hận”, giới thiệu với khán giả về hình ảnh Nữ tướng Lê Chân từ thuở thiếu thời, đến khi lớn lên trở thành một giai nhân, giỏi võ nghệ lại có tài thơ văn. Thái thú Tô Định, một kẻ bạo tàn khét tiếng, quyết lấy Lê Chân về làm thiếp nhưng đã bị cự tuyệt, hắn sát hại cha mẹ Lê Chân. Từ đó, Lê Chân và bạn hữu cùng chí hướng bí mật rời quê hương, xuôi theo dòng sông về vùng bên cửa sông Cấm cùng dân chúng khai hoang, lấn biển, mở mang nghề trồng dâu, nuôi tằm, đánh bắt thủy hải sản, tạo lập nên một vùng đất trù phú đặt tên là An Biên trang.

Nhân vật Thái thú Tô Định.

Cùng với phát triển sản xuất, Bà còn chiêu mộ trai tráng để luyện binh sẵn chờ thời cơ “rửa hận nước, trả thù nhà”. Năm 40, được tin Hai Bà Trưng dấy binh ở Mê Linh để đánh đuổi quân xâm lược, Bà đã nhanh chóng cùng đội quân của mình kéo về tụ nghĩa, lập “Hội thề Hát môn”, thề quyết tâm quét sạch giặc nước. Bà được phong là Thánh Chân Công chúa, cùng Bình Khôi Công chúa Trưng Nhị làm tướng tiên phong đánh quân Tô Định. Tên Thái thú Tô Định phải cắt tóc, cạo râu, trà trộn vào đám loạn quân, vứt bỏ ấn tín mà chạy. Nữ tướng Lê Chân được giao trọng trách làm Chưởng quản binh quyền nội bộ, đóng quân bảo vệ vùng ven biển. Tại đây, Bà đã huy động dân chúng dựng đồn lũy ở trang An Biên, phòng kẻ thù từ biển vào, gọi là Hải Tần phòng thủ (tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay).

Quân sĩ luyện binh.

Chia sẻ về chương trình tham gia Liên hoan, Nhạc sĩ Chu Tâm Huy, Trưởng Đoàn Ca múa Hải Phòng, Chỉ đạo nghệ thuật Tổng đạo diễn chương trình cho biết: thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, Đoàn Ca Múa Hải Phòng quyết định mang chương trình “Huyền thoại Nữ tướng Lê Chân” tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021. Chương trình được đầu tư dàn dựng, đáp ứng đủ mục đích, ý nghĩa của Ban Tổ chức Liên hoan đó là nêu cao truyền thống cách mạng, lịch sử anh hùng của dân tộc Việt Nam… Chương trình bao gồm các thể loại ca, múa, nhạc như đơn ca, độc tấu, hòa tấu dàn nhạc, hợp xướng, tốp ca…

Ngay sau khi tiếp quản sân khấu, các nghệ sĩ diễn viên của Đoàn đã khẩn trương tập luyện cho chương trình.

Trưởng Đoàn cũng cho biết chương trình đã được thực hiện theo Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng, tuy nhiên tham gia Liên hoan, Đoàn phải chơi dàn nhạc “sống”, hát “sống”, dàn diễn viên cũng có sự thay đổi để đáp ứng được với chương trình như toàn bộ đều là người của Đoàn Ca Múa Hải Phòng, số lượng nghệ sĩ được rút từ 60 xuống còn hơn 40 diễn viên, nghệ sĩ. Trưởng Đoàn mong muốn sau khi tham gia Liên hoan các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn sẽ tiếp tục trưởng thành và ngày càng gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp.

Hồng Nhung

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Nữ tướng Lê Chân”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác