Print Thứ hai, 04/03/2019 16:58

Từ năm 2013 đến nay, Chương trình đổi mới công nghệ (ĐMCN) thành phố Hải Phòng đến năm 2020 do UBND thành phố ban hành theo Quyết định số 1394, hỗ trợ tổng số 30 doanh nghiệp thực hiện lộ trình ĐMCN. Con số này còn “khiêm tốn” so với nhu cầu thực tế, hơn nữa trong quá trình thực hiện ĐMCN có thể có rủi ro làm hạn chế hiệu quả đầu tư. Để lộ trình ĐMCN đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ tích cực hơn của thành phố, cơ quan chức năng và sự chủ động của chính các doanh nghiệp.

 

 

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Bao bì Tiền Phong được bổ sung, thay mới. 



Có thể xảy ra rủi ro bất thường

 

Giám đốc Công ty CP Bao bì Tiền Phong Nguyễn Văn Khái cho biết, hiện sản phẩm của công ty chiếm khoảng 10% công suất sản xuất bao bì xi măng của toàn thành phố và khoảng 2% đến 3% so với cả nước. Nhằm từng bước tăng thị phần, được sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), cuối năm 2018, công ty phối hợp các chuyên gia phân tích, đánh giá xây dựng lộ trình ĐMCN, gồm: nâng cao năng lực sản xuất của dây chuyền thiết bị; bố trí hợp lý dây chuyền sản xuất, đầu tư hệ thống xử lý môi trường; nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới; nghiên cứu cải tiến máy móc thiết bị hiện có…Tuy nhiên, anh Khái cũng thừa nhận, do thiếu vốn nên khó có thể đầu tư đồng bộ máy móc, thiết bị. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện lộ trình ĐMCN của mình, công ty có thể gặp những rủi ro bất thường không lường trước, làm hạn chế hiệu quả đầu tư ĐMCN, như: quy hoạch phát triển sản xuất của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam có sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến sản xuất bao bì xi măng; xu hướng sử dụng “bao bì xanh” thân thiện môi trường…đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng được.

 

Hướng đến mục tiêu năm 2025, Công ty TNHH Tân Huy Hoàng (khu công nghiệp Tràng Duệ) trở thành công ty đứng đầu tại miền Bắc và nằm trong tốp đầu cả nước về sản xuất xốp, tổng sản lượng đạt 300 – 400 tấn sản phẩm/tháng, các chuyên gia tư vấn công ty ĐMCN tập trung vào 2 lĩnh vực sản xuất xốp và panel cách nhiệt. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhằm giảm chi phí, hạ giá thành và tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp băn khoăn là trong quá trình thực hiện lộ trình ĐMCN gặp khó, như: hiện nay sản xuất trong nước mới đáp ứng được 20-25% nguyên liệu cho sản xuất của ngành nhựa nên hoạt động sản xuất bị động và phụ thuộc vào việc cung cấp từ bên ngoài; giá nguyên liệu có xu hướng tăng; hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng là yếu tố tác động không nhỏ trong cạnh tranh trên thị trường.

 

Theo Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KHCN) Lê Thanh Huyền, trong quá trình thực hiện chương trình ĐMCN thành phố Hải Phòng đến năm 2020, việc triển khai thực hiện ĐMCN còn một số hạn chế. Cụ thể, doanh nghiệp muốn làm “cách mạng công nghệ” trên quy mô lớn gặp nhiều khó khăn, trong đó cái khó lớn nhất là thiếu vốn và thiếu thông tin công nghệ, thông tin thị trường. Bên cạnh đó, việc ĐMCN còn mang tính tự phát, chưa có môi trường pháp lý và quy hoạch tổng thể về chiến lược phát triển KHCN.

 

Gỡ khó cho doanh nghiệp

 

Trước khó khăn, rủi ro xảy ra khi triển khai thực hiện lộ trình ĐMCN, Giám đốc Công ty CP Bao bì Tiền Phong Nguyễn Văn Khái đề nghị các chuyên gia chỉ rõ giải pháp quản lý rủi ro; kiến nghị Sở KHCN hướng dẫn, giới thiệu cho DN tham gia các chương trình KHCN của thành phố, các chương trình quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, về ĐMCN, phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm mới thân thiện môi trường, nghiên cứu cải tiến thiết bị hiện có. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng của thành phố có những trợ giúp về thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ ĐMCN và các chế độ tín dụng khác. Theo Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Huy Hoàng Trần Thị Minh Tâm, ngoài nhu cầu tham gia các chương trình KHCN của thành phố, doanh nghiệp kiến nghị Sở Công Thương hướng dẫn công ty tham gia Dự án Tiết kiệm năng lượng Việt Nam (VNEEP3) để hưởng ưu đãi về lãi suất vay vốn; các cơ quan chức năng của thành phố có những trợ giúp về kết nối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong các khu công nghiệp ở Hải Phòng và các chế độ tín dụng khác.

 

Để đẩy mạnh và tạo tiền đề cho ĐMCN, trong bối cảnh các doanh nghiệp phần nhiều thiếu thông tin, trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình hoặc kém, theo Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KHCN) Lê Thanh Huyền, cần sự chủ động của cả hai phía. Các doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò của việc ĐMCN với sự sống còn của doanh nghiệp để bố trí nguồn tài chính đầu tư thỏa đáng; xây dựng đội ngũ nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu ĐMCN. Chương trình hỗ trợ ĐMCN từ nhà nước, thành phố phải mang tính thiết thực, đa dạng, có tính định hướng thị trường và hướng mạnh mẽ vào doanh nghiệp. Với điều kiện nguồn vốn hỗ trợ không dồi dào, trong khi chi phí cho ĐMCN đòi hỏi khá lớn, các nội dung của hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cần tập trung vào một số lĩnh vực được xem là trọng điểm và cấp thiết đối với doanh nghiệp như: tiêu chuẩn – chất lượng, sở hữu trí tuệ, sử dụng năng lượng có hiệu quả cao, tăng cường năng lực chế tạo thiết bị trong nước với chi phí thấp và thông tin KHCN. Mặt khác, ĐMCN cần có quy hoạch chiến lược phát triển chung về công nghệ của nhà nước, của ngành và cần được triển khai gắn kết với kế hoạch của doanh nghiệp

Bài và ảnh: Đông Hải – Báo Hải Phòng 

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chương trình đổi mới công nghệ: Tập trung lĩnh vực trọng điểm, cấp thiết
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác