Nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực so với năm 2019, chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỉ đồng/năm”.
Ngày 4.6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia (DVCQG) chủ trì phiên họp đầu tiên của tổ công tác với các bộ, cơ quan liên quan về triển khai xây dựng hệ thống chứng thực bản sao từ bản chính trên Cổng DVCQG.
Bản sao điện tử được chứng thực có giá trị như bản chính
Khi triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG, theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), đối với người dân, DN, dịch vụ này cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, DN đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục.
Với quy định bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
“Như vậy, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ hiện nay“, ông Ngô Hải Phan cho biết.
Bản sao chứng thực điện tử được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần.
Đối với các cơ quan, tiện ích đem lại là thực hiện toàn bộ quy trình cấp bản sao chứng thực từ bản chính trên hệ thống Cổng DVCQG, bảo đảm bản sao chứng thực được cấp ra là có đầy đủ các thông tin theo quy định, thống nhất về hình thức.
Cán bộ, công chức tiếp nhận bản sao điện tử đã chứng thực có thể dễ dàng kiểm tra tính toàn vẹn, chính xác để giải quyết cho thủ tục tiếp theo.
Bảo đảm tính an toàn, toàn vẹn của bản sao chứng thực điện tử
Về vấn đề bảo mật, Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết sẽ cung cấp dịch vụ kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số, bảo đảm tính an toàn, toàn vẹn của bản sao chứng thực điện tử đã cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Đối với triển khai chữ ký số trên dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, khi đăng nhập hệ thống, cán bộ công chức thực hiện hệ thống này có thể sử dụng chứng thực số để đăng nhập.
Theo Ban cơ yếu Chính phủ, đây là một biện pháp quản lý để hạn chế truy cập trái phép vào hệ thống. Ngoài ra đơn vị sẽ xây dựng và công bố dịch vụ ký số, chứng thực bản sao trên Cổng DVCQG.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, trong quá trình tiến tới xã hội số, nền kinh tế số, đẩy mạnh giao dịch điện tử thì việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính rất quan trọng, bởi thay vì truyền thống chứng thực bản sao cấp kết quả giấy thì sẽ sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG và cấp bản sao điện tử.
Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng thông tư, hướng dẫn để cụ thể hóa mẫu bản sao chứng thực điện tử; đề nghị VNPost, Tập đoàn VNPT cùng phối hợp triển khai dịch vụ; thống nhất về quy trình tiện lợi cho người sử dụng.
Ông Ngô Hải Phan cho biết, theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỉ đồng/năm".
VƯƠNG TRẦN