Print Thứ Năm, 09/01/2020 15:53 Gốc

Người tiêu dùng Hải Phòng đang cụ thể hóa khái niệm “tiêu dùng xanh” bằng nhiều việc làm thiết thực, hướng tới mục tiêu xanh hóa lối sống vì sự phát triển bền vững, góp phần xây dựng thành phố Cảng xanh.

Từ những dòng suối nhỏ…

Công ty TNHH Cát Thành, ở phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền) thành lập từ năm 2005 vốn chuyên sản xuất, cung cấp các mặt hàng bảo hộ lao động. Từ tháng 6-2018, doanh nghiệp tung ra thị trường mặt hàng mới: Túi tái chế được làm từ các tấm pano quảng cáo cũ. Tùy theo yêu cầu đơn đặt hàng của khách, các công nhân sẽ may những tấm vải bạt từ các pano quảng cáo cũ thành túi đi chợ, túi đi làm hay túi đựng thực phẩm, đồ đựng thể thao.

Bà Lưu Thị Bích, Giám đốc Công ty cho biết: Đến nay, doanh nghiệp cung cấp khoảng 1.000 chiếc túi tái chế ra thị trường với mức giá từ 35.000 đồng đến 45.000 đồng/chiếc. Kể về cơ duyên với mặt hàng này, bà Bích cho biết, bà là Chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố số 31 phường Vạn Mỹ. Sau khi được gợi ý từ bà Đoàn Thị Mơ, Giám đốc Hợp tác xã Môi trường và dịch vụ thương mại Thành Vinh (quận Dương Kinh), bà Bích báo cáo và nhận được sự ủng hộ của các cấp hội phụ nữ quận Ngô Quyền triển khai chương trình. Ngay khi những chiếc túi tái chế đầu tiên được mang tới tặng tại một hội nghị, các đại biểu rất hào hứng, quan tâm.

Siêu thị Co.op Mart sử dụng túi ni lông tự hủy, thân thiện với môi trường.

Những hoạt động, việc làm “nhỏ nhưng đẹp” như vậy gần đây trở nên phổ biến ở Hải Phòng. Cuối tháng 8-2019 vừa qua, tại phố Tam Bạc (quận Hồng Bàng), các nhân viên của Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện phối hợp CLB Otofun Hải Phòng và một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Chủ động sống xanh”, đổi chai nhựa, pin qua sử dụng lấy cây xanh và chai thủy tinh thân thiện với môi trường. Còn với các hội viên phụ nữ quận Ngô Quyền, từ nhiều năm nay, việc sử dụng các vật dụng thay thế túi ni-lon dùng một lần khi đi chợ, đồng thời phân loại, tái chế rác thải trở nên quen thuộc. Theo chị Nguyễn Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền), những phong trào này nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều hội viên. Đặc biệt, Hội Phụ nữ phường cũng hướng tới vận động các hội viên kinh doanh, buôn bán tại các chợ hoặc các cửa hàng sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường đóng gói sản phẩm, thay thế túi ni-lon.

Tiêu dùng xanh là việc người dân lựa chọn và chấp nhận sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thân thiện với môi trường dù chi phí cao hơn; nói không với những sản phẩm hóa chất, có nguồn gốc hóa chất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm kiệt quệ nguồn tài nguyên.

… khơi thành sông lớn

Bà Trần Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VUSTA) cho biết: Để hỗ trợ, thúc đẩy xu hướng này, cuối tháng 7- 2019, GreenHub phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) và UBND huyện Cát Hải tổ chức triển lãm “Biến rác thành tiền” tại quảng trường trung tâm thị trấn Cát Bà. Triển lãm giới thiệu nhiều sản phẩm tái chế, sản phẩm thay thế nguyên liệu dùng một lần của các doanh nghiệp khởi nghiệp. GreenHub cũng phối hợp, tư vấn hỗ trợ UBND huyện Cát Hải triển khai vận động các tiểu thương, chủ cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng không sử dụng túi nilon dùng một lần để giảm thiểu lượng rác thải nhựa.

Theo bà Hoa, những chương trình, hoạt động như vậy rất ý nghĩa, như những dòng suối nhỏ góp phần tạo nên một dòng chảy lớn vận động người dân chung tay xây dựng lối sống xanh, thể hiện ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường sống từ việc tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm, đồ vật hằng ngày. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen tiêu dùng của đông đảo người dân không đơn giản. Vì sự tiện lợi, thói quen, nhiều người vẫn vô tư sử dụng rất nhiều túi nilon khi đi chợ và thải ngay ra môi trường sau mỗi lần sử dụng.

Để người dân chấp nhận chuyển sang tiêu thụ những sản phẩm thân thiện với môi trường với mức chi phí cao hơn không đơn giản. Muốn vậy, các cơ quan chức năng có thêm những định hướng, giải pháp cụ thể, xây dựng nhiều mô hình điểm để nhân rộng. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân để tiêu dùng xanh trở thành xu hướng được nhiều người đón nhận và ủng hộ.

Bài: Thành Lê – Ảnh: Trung Kiên/Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chung tay “xanh hóa” vì môi trường
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác