Xã hội

Chung tay ngăn ngừa tai nạn giao thông đối với học sinh: Giúp các em nâng cao ý thức, kỹ năng

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) ngày 16-9 mới đây xảy ra tại quận Đồ Sơn làm 1 học sinh thiệt mạng đã dấy lên sự lo ngại của cộng đồng về tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) đối với học sinh. Đây là vụ TNGT thứ 3 đối với học sinh xảy ra trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2019 đến nay, khiến 3 em tử vong.

Nhiều học sinh còn thiếu ý thức an toàn khi tham gia giao thông.

Kỹ năng yếu, ý thức chưa cao

Điều đáng nói là cả 3 vụ đều xảy ra đối với học sinh đi xe máy động cơ nhiệt, có thể chạy với tốc độ cao, trong khi ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của các em chưa cao…

Xem hình ảnh ghi lại vụ tai nạn xảy ra sáng 16-9 tại quận Đồ Sơn, ai cũng phải giật mình bởi kỹ năng điều khiển phương tiện của người lái. Trời mưa, đường trơn, nhưng người lái không làm chủ được tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, lại phanh gấp nên bị văng về phía bên trái đường, nơi có chiếc xe công-ten-nơ lừ lừ đi tới. Rất nhiều từ “giá như” được cộng đồng mạng xã hội đưa ra đầy nuối tiếc. Giá như xe máy đi chậm hơn, giá như xe máy giữ khoảng cách với xe phía trước, giá như xe công-ten-nơ không xuất hiện nào lúc đó…thì sẽ không xảy ra tai nạn.

Theo quy định, người điều khiển xe máy có dung tích buồng đốt (phân khối) dưới 50 cm3 hoặc xe máy điện không cần giấy phép lái xe, tức là không cần phải học cách lái xe theo quy định nhưng vẫn được phép điều khiển phương tiện. Vì không được học những điều cơ bản nhất trong tham gia giao thông, học sinh thường điều khiển xe trong phạm vi hiểu biết của mình, có thể được hướng dẫn từ gia đình, bạn bè… Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ. Chị Phạm Thị Hà ở phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân), có con đang học lớp 11 cho biết, do nhà xa trường, gia đình không có điều kiện thời gian đưa đón, nên mua cho cháu chiếc xe máy 50 cm3. Cháu có xe, cứ thế là đi, không được ai hướng dẫn, chỉ bảo, chủ yếu là vừa đi…vừa học. Có lần cháu đi học về bị ngã xe, xước hết mặt mũi, chân tay. Còn theo chị Nguyễn Khánh Linh, ở phường Thành Tô (quận Hải An), gia đình cũng mua cho cháu chiếc xe 50 cm3, nhưng không có điều kiện dạy cháu kỹ năng đi xe. Có lần chị thấy con cùng vài bạn đi xe trên đường đầu không đội mũ, cho dù mũ treo ở cạnh xe…

Trao đổi với một số thầy cô giáo ở các trường THPT, được biết, hằng năm các trường đều tổ chức các chương trình về ATGT, thậm chí mời cả cảnh sát giao thông (CSGT) đến hướng dẫn, chủ yếu là những kỹ năng cơ bản và nâng cao ý thức tham gia giao thông cho học sinh. Nhiều kiến thức sâu hơn, vô cùng thiết thực như khi đường trơn dùng phanh thế nào, giữ khoảng cách với xe phía trước là bao nhiêu, khi tham gia giao thông cùng với xe tải tránh điểm mù ra sao… thì học sinh chưa tiếp cận được nhiều. Ý thức tham gia giao thông cần đi kèm với kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ năng phán đoán tình huống giao thông, là yếu tố đóng vai trò quan trọng để phòng chống TNGT.

Cộng đồng chung tay ngăn chặn tai nạn

Hằng ngày trên đường phố Hải Phòng không khó gặp hình ảnh học sinh đi xe điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi hàng 3-4, vượt đèn đỏ, thậm chí vừa đi xe vừa đùa với bạn đi bên cạnh. Trên các diễn đàn mạng giao thông ở Hải Phòng không thiếu clip, hình ảnh học sinh đi xe điện vào đường dành riêng cho xe ô tô. Đó là hành động vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng rất ít bị xử lý, hoặc xử lý thì gặp khó khăn trong việc xác minh.

Theo các đội CSGT-Trật tự-Cơ động ở các địa phương, thời gian qua, khi xử lý một số trường hợp học sinh vi phạm, cũng chỉ lập biên bản, sau đó xử phạt theo lời khai của học sinh vi phạm hoặc theo chứng minh thư nhân dân. Việc phối hợp với các nhà trường để răn đe, giáo dục các em đang gặp khó khăn. Cách tốt nhất hiện tại là qua mạng xã hội đưa hình ảnh học sinh vi phạm giao thông để các trường học biết, có thêm biện pháp phối hợp.

Cùng với xử lý nghiêm vi phạm, việc hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường-gia đình và xã hội, tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao trình độ điều khiển phương tiện cho các em. Anh Phạm Thanh Tùng, thành viên sáng lập nhóm An toàn-Văn hóa giao thông Hải Phòng cho biết, nhóm sẵn sàng đến các trường học chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn học sinh tham gia giao thông sao cho đúng luật và an toàn. Nhất là sử dụng các clip, hình ảnh hướng dẫn về điểm mù của xe ô tô để học sinh phán đoán tình huống từ xa, khi tham gia giao thông để bảo đảm an toàn.

Gia đình và nhà trường là nơi tuyên truyền tốt nhất cho học sinh khi tham gia giao thông không sử dụng điện thoại, không phóng nhanh vượt ẩu, không vượt đèn đỏ, đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm… Sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng sẽ mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông bằng xe máy, xe điện cho học sinh, giảm thiểu TNGT.

Mai Lâm – Ảnh: Minh Trí

Nguồn: Báo Hải Phòng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More