Trong khi thông tin liên quan em N.T.Y.N. (17 tuổi), lớp 10A15 Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử do những áp lực nảy sinh trong quá trình học tập chưa kịp lắng xuống, sự việc đang được cơ quan công an điều tra, ngày 20/4/2023 mới đây, lại xảy ra trường hợp nữ sinh lớp 8 Trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP Hà Nội bị đánh hội đồng phải nhập viện.
Theo đó, ngày 2/4, nữ sinh G.T.C. (14 tuổi, lớp 8) đang ở nhà thì nhóm học sinh Trường cao đẳng Việt Hàn, THCS Xuân Nộn gọi ra ngoài để nói chuyện. Sau đó, em C. bị đánh hội đồng và bị quay clip. Sự việc diễn ra vào ngày chủ nhật và ở bên ngoài nhà trường.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa ra trong một cuộc hội thảo gần đây do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức thì trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.
Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các clip học sinh các trường THCS, THPT ở một số tỉnh, thành phố như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hải Phòng, Cà Mau… đánh nhau ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên nhà trường.
Trong các clip này, không chỉ hai học sinh đánh nhau mà cả một nhóm học sinh xông vào, thậm chí dùng cả gậy, mũ bảo hiểm đánh bạn một cách tàn bạo. Nạn nhân chỉ biết van xin, không thể phản kháng. Đáng lưu ý, bạo lực không chỉ diễn ra trong nam sinh mà còn lan sang cả nữ sinh và ngày càng gia tăng. Khi xem những clip này, nhiều người không khỏi xót xa, phẫn nộ.
Thực tế, bạo lực học đường tồn tại ở bất cứ môi trường giáo dục nào, không ngoại trừ trường chuyên, lớp chọn, thành phố hay nông thôn. Không chỉ đơn giản là hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành, làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể mà bạo lực học đường còn thể hiện ở việc nạn nhân bị sỉ nhục, lăng mạ; bị tẩy chay, cô lập vì những lý do hết sức vô lý.
Không ít học sinh vì nhiều lý do, không dám nói ra, tự chịu đựng. Có trường hợp nói ra nhưng bố mẹ, nhà trường không có giải pháp xử lý triệt để, nên các em rơi vào bế tắc, dẫn đến hành động bột phát dại dột. Không ít vụ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những giải pháp phòng ngừa và đẩy lùi bạo lực học đường.
Theo đó, các nhà trường tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có kiểm tra và đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường…
Lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác…
Xây dựng “Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục” dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông; Sổ tay an ninh trật tự, an toàn trường học; Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh; Phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh.
Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh. Nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục con.
Bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm… Cùng với các biện pháp trên, để chủ động bảo vệ học sinh, bên cạnh các hình thức xử lý nghiêm theo pháp luật, rất cần sự đồng lòng chung tay để chặn nạn bạo lực học đường.
Các nhà trường cần tạo được môi trường giáo dục thân thiện, vui vẻ, tích cực để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Đối với giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải có sự gần gũi với học sinh để hiểu tính cách của từng em cũng như các mối quan hệ trong lớp, ngoài lớp để kịp thời phát hiện, uốn nắn, hỗ trợ các em giải quyết các mâu thuẫn khi mới phát sinh.
Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng cần thường xuyên có sự trao đổi phối hợp để có tiếng nói chung trong việc cùng xử lý các vấn đề phát sinh một cách khéo léo, không để sự việc đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát. Các em học sinh cần được trang bị thêm nhiều bài học về kỹ năng sống để giúp các em hình thành đức tính tốt, có thái độ nhân văn khi ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình và những người chung quanh.
Quang Minh
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More