Print Thứ Hai, 23/12/2019 13:50 Gốc

Thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại của thành phố đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị lượng hàng để bán ra trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý.Theo lãnh đạo ngành Công Thương và các doanh nghiệp, Tết năm nay, hàng hóa rất nhiều và phong phú về chủng loại, đáp ứng yêu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thịt lợn vẫn là một nỗi lo lớn khi trên thị trường, giá tăng hằng ngày.

Thay đổi phương thức kinh doanh theo xu hướng tiêu dùng

Phó giám đốc Sở Công Thương Tiêu Văn Dũng cho biết, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn thành phố dịp Tết ước tính hơn 12.700 tỷ đồng/tháng, tăng khoảng 17% so với các tháng trong năm. Như vậy, sức mua tuy tăng lên, nhưng cũng không nhiều như trước đây. Bởi xu thế tiêu dùng đã thay đổi đáng kể, người dân không còn chờ tới Tết mới mua sắm dồn dập và cũng không có tâm lý tích trữ hàng hóa bởi chỉ từ mồng 2 Tết, nhiều chợ đã họp trở lại.

Doanh nghiệp lựa chọn những mặt hàng cần thiết nhất, được tiêu dùng nhiều nhất trong dịp Tết để chuẩn bị.

Vì thế, phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối, thương mại cũng thay đổi theo. Thay vì dự trữ thật nhiều hàng hóa thì các doanh nghiệp lựa chọn những mặt hàng cần thiết nhất, được tiêu dùng nhiều nhất trong dịp Tết để chuẩn bị. Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, lượng hàng hóa khoảng 5600 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp chuẩn bị và đã tung ra thị trường. Nguồn hàng chủ yếu là lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, giày dép, quần áo, đồ gia dụng, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát…

Nét mới của thị trường hàng Tết Canh Tý là hàng nội đang cạnh tranh khá quyết liệt với hàng ngoại. Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh giữa phương thức bán hàng trực tiếp với bán hàng qua mạng. Từ trước Tết 2-3 tháng, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo bán hàng, từ thực phẩm tươi sống nhập ngoại như cá hồi Na uy, ba chỉ Mỹ, thịt bò Úc, Mỹ; trái cây nhập ngoại tới rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo các loại… Hàng nội cũng được rao bán trên mạng khá nhiều như trái cây, quần áo, gạo, thịt lợn, thịt gà, thực phẩm chế biến, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương… Có thể thấy, mua bán trên mạng có khi còn sôi động hơn mua bán trực tiếp.

Để cạnh tranh và giữ vững thương hiệu, nhiều doanh nghiệp phân phối lớn cũng có những cách làm riêng. Siêu thị Big C Hải Phòng trang trí các quầy hàng Tết rất sớm, từ khoảng cuối tháng 10 và liên tục có những chương trình khuyến mãi rầm rộ để thu hút khách hàng. Tại đây, có đủ các chủng loại hàng hóa khác nhau nên khách hàng chỉ cần đi một lượt là có thể mua sắm đủ các thứ cần thiết cho Tết. Đây cũng là phương thức kinh doanh của Mega Market, thậm chí tại đây khách hàng còn mua được cả hoa tươi nên vẫn thu hút được đông đảo khách tham quan mua sắm. Giám đốc Big C Hải Phòng Vũ Thị Thu Hương cho biết, càng gần Tết, sức mua càng tăng lên, do rất nhiều người dân sắm Tết sớm. Nhìn chung, doanh thu những tháng cuối năm của siêu thị tăng khoảng 30%, tháng 12 và tháng 1- 2020 có thể còn tăng tới 40- 50%.

Giá thịt lợn vẫn là ẩn số

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn cho thị trường giảm hẳn nên giá thịt lợn càng về cuối năm càng tăng cao. Giá lợn hơi đã lên tới sát 100.000 đồng/kg, thịt thành phẩm vì thế cũng tăng lên tới 160.000- 180.000 đồng/kg, một số loại còn có mức giá cao hơn. Đây là nỗi lo lớn nhất của cả nhà quản lý và người tiêu dùng. Bởi, thịt lợn được tiêu thụ rất nhiều trong dịp Tết, có nhiều món ăn mà thịt bò, thịt gà không thể thay thế được như bánh chưng, giò… Phó giám đốc Sở Công Thương Tiêu Văn Dũng cho biết, nhu cầu thịt lợn của thành phố khoảng 1800 tấn/tháng. Qua làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, lượng thịt lợn tại chỗ có thể đáp ứng được là khoảng 1600 tấn, còn lại gần 200 tấn trông chờ vào nguồn nhập ngoại, nguồn từ nơi khác chuyển về. Mức chênh lệch này rõ ràng là không lớn, nhưng giá thịt vẫn tăng chứng tỏ có biểu hiện lợi dụng đầu cơ tăng giá, cần được các ngành chức năng, đặc biệt là Cục Quản lý thị trường lưu tâm kiểm soát, ngăn chặn. Đáng chú ý, các doanh nghiệp đều chuẩn bị một số lượng lớn thịt lợn nhập khẩu để bù đắp cho phần thiếu hụt như Big C, Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình… với mức giá rẻ hơn, thịt nội, chất lượng được kiểm soát. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình, tâm lý người dân vẫn thích dùng thịt lợn tươi sống hơn nên thịt lợn nhập khẩu, dù bảo đảm đầy đủ các tiêu chí, giá lại rẻ hơn vẫn khó tiêu thụ. Do đó, doanh nghiệp đề nghị các cơ quan thông tin tuyên truyền, các ngành quản lý tham gia giải thích, hướng dẫn để thay đổi thói quen tiêu dùng, từ đó góp phần giảm giá thịt lợn.

Một biện pháp khác đang được Sở Công Thương tham mưu UBND thành phố và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện là tổ chức chương trình bình ổn giá. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp vay vốn dự trữ các mặt hàng thiết yếu như gạo tẻ, thịt lợn, thịt, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, chương trình hỗ trợ lãi suất để bình ổn giá cần được thực hiện sớm hơn, trước Tết khoảng 4-6 tháng mới thật sự có ý nghĩa.

Như vậy, Tết này, người dân Hải Phòng không lo thiếu hàng mà chỉ lo sốt giá thịt lợn. Tuy nhiên, với các biện pháp quản lý chặt chẽ, cùng với sự chênh lệch giữa cung và cầu tại chỗ không nhiều, cùng với nguồn cung thịt lợn nhập khẩu sẽ tăng hơn những ngày tới, có nhiều cơ sở để khẳng định thị trường hàng hóa Tết của Hải Phòng cơ bản ổn định.

Bài: Thanh Hiệp – Ảnh: Hoàng Phước

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý: Lo nhất vẫn là bảo đảm nguồn cung thịt lợn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác