Thông tư số 35 năm 2017 của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ khác. Song, trên thực tế, việc chiếm dụng gầm cầu đường bộ làm nơi buôn bán, trông giữ xe… diễn ra ở nhiều gầm cầu đường bộ, cần có giải pháp giải tỏa triệt để, quyết liệt.
Mở xưởng, tập kết vật liệu, trông giữ ô-tô
Đến nay, dịch vụ trông giữ ô-tô dưới khu vực gầm cầu vượt Lạch Tray (quận Ngô Quyền) tạm dừng. Song, hiện nay, tại nhiều khu vực gầm cầu đường bộ, tình trạng chiếm dụng làm nơi kinh doanh, sản xuất, trông giữ xe… diễn ra khá nghiêm trọng. Ngay dưới gầm cầu An Đồng, phía cuối đường Lán Bè thuộc phường Lam Sơn (quận Lê Chân) là điểm sửa chữa, trông giữ ô-tô Quang Hào hoạt động khá nhộn nhịp. Không cần tường bao, mái che, điểm kinh doanh này tận dụng khoảng đất ngay dưới gầm cầu để máy móc, làm nơi sửa chữa ô-tô. Theo báo cáo của UBND phường Lam Sơn, 4 hộ dân có công trình xây dựng nằm trong phạm vi hành lang an toàn cầu An Đồng. Trong đó, hộ bà Đỗ Thị Hạnh có nhà 2 tầng nằm một phần trong hành lang an toàn cầu, sinh sống ở đây từ năm 1976, trước khi xây dựng cầu. Hộ ông Đoàn Anh Tuấn, với nhà xưởng 1 tầng, tạo lập từ năm 2005, với diện tích hơn 48 m2; hộ ông Nguyễn Đăng Doanh có nhà 1 tầng mái tôn, diện tích 11 m2, nằm hoàn toàn trong gầm và hành lang an toàn cầu. Hộ bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt có nhà xưởng 1 tầng, diện tích hơn 90 m2, nằm một phần trong hành lang cầu. Cầu An Đồng phía huyện An Dương là nơi tập kết vật liệu, thiết bị của Công ty TNHH An Phú với diện tích khoảng 1.400 m2; bãi trông giữ xe ô-tô của HTX thương binh với diện tích 1600 m2 và là nơi tập kết vật liệu xây dựng với nhà tạm, mái tôn của một số hộ dọc hành lang cầu.
Còn tại khu vực gầm cầu Kiến An, trên đường Hoàng Thiết Tâm, phường Bắc Sơn (quận Kiến An), với diện tích hàng trăm mét vuông là điểm kinh doanh vật liệu xây dựng Ánh Hồng và ga-ra sửa chữa ô-tô Kiên Thịnh, hoạt động khá nhộn nhịp.
Theo rà soát của Sở Giao thông Vận tải, ngoài khu vực cầu An Đồng cầu Kiến An, tại nhiều khu vực cầu đường bộ đang bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, trông giữ xe không đúng quy định. Khu vực cầu Khuể, phía huyện An Lão, Công ty TNHH Duyên Hải san lấp đất đá lấn sông, xây dựng nhà tạm dưới gầm cầu, tập kết vật liệu xây dựng bên thượng, hạ lưu cầu với chiều dài khoảng 120 m, rộng chừng 100 m, cao từ 6 đến 8 m. Cầu Khuể phía huyện Tiên Lãng là Công ty CP xây dựng Bắc Băng Dương tập kết cát gần thành cầu, với chiều dài chừng 100 mét… Gầm cầu, hành lang an toàn cầu đường bộ bị chiếm dụng, làm ảnh hưởng đến kết cấu, an toàn của công trình, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện khi qua cầu, ảnh hưởng giao thông. Nhiều phương tiện ô-tô ra vào, quay đầu tại các điểm trông giữ, kinh doanh tại khu vực gầm cầu, hành lang an toàn cầu làm phát sinh xung đột giao thông, tiềm ẩn nguy cơ va chạm.
Cần sự quyết liệt từ chính quyền địa phương
Trước thực trạng gầm cầu, hành lang an toàn tại nhiều cầu đường bộ bị lấn chiếm kéo dài, Sở Giao thông Vận tải có văn bản báo cáo UBND thành phố. Tháng 12-2017, UBND thành phố có Văn bản số 9205 giao Sở Giao thông Vận tải thu hồi và chấm dứt việc trông giữ xe ô tô dưới các gầm cầu trên địa bàn thành phố; có rào chắn và bảo vệ chống lấn chiếm. Đồng thời, UBND thành phố giao UBND các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An, Kiến An và các huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn công trình cầu đường bộ. Mặc dù vậy, việc thu hồi, chấm dứt việc trông xe ô tô, kinh doanh dưới gầm cầu, hành lang an toàn cầu còn chậm trễ, chỉ ở mức độ rà soát, đánh giá. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng chưa vào cuộc quyết liệt.
Trên địa bàn thành phố, có 2 doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe tạm thời. Cụ thể, Công ty CP Công trình đô thị Hải Phòng được giao quản lý khu vực gầm cầu An Đồng, cầu Thượng Lý, các cầu vượt Lạch Tray, Đông Hải, Lương Quán; Công ty CP Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng được giao sử dụng hơn 1.300 m2 gầm cầu Kiến An (phía quận Kiến An). Ông Lê Mạnh Tường, Giám đốc Công ty CP Công trình đô thị Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc việc thu hồi, chấm dứt việc trông xe ô tô dưới gầm cầu, bàn giao cho Sở Giao thông Vận tải quản lý. Song, Sở Giao thông Vận tải, các cấp chính quyền địa phương cần thực hiện triệt để, xử lý, kiên quyết giải tỏa các trường hợp vi phạm lấn chiếm gầm cầu, hành lang an toàn cầu đường bộ để bảo đảm sự công bằng và nghiêm túc trong công tác quản lý.
Theo Phó chủ tịch UBND phường Lam Sơn (quận Lê Chân) Hoàng Minh Tiệp cho biết, một phần nguyên nhân do khi xây dựng cầu An Đồng, nhưng chưa tiến hành đền bù, giải tỏa với các hộ còn một phần diện tích trong phạm vi hành lang cầu. Do đó, để bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho nhân dân, UBND phường đề nghị các cấp, các ngành chức năng xem xét hỗ trợ khi thực hiện giải tỏa các trường hợp còn lại, đê bảo đảm an toàn cho công trình.
Đến nay, sau khoảng 6 tháng có văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, việc thu hồi, xử lý với các trường hợp trông giữ xe ô tô, kinh doanh lấn chiếm gầm cầu, hành lang cầu đường bộ vẫn dậm chân tại chỗ. Chính vì vậy, Sở Giao thông Vận tải giao thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đỗ xe dưới gầm cầu và lấn chiếm hành lang an toàn công trình cầu đường bộ theo quy định. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan với các cấp chính quyền địa phương mới có thể giải tỏa công trình xây dựng, điểm kinh doanh vi phạm an toàn cầu đường bộ trên địa bàn thành phố./.
Hoàng Minh – Báo Hải Phòng 11/6/2018