Tiêu thụ điện tăng chóng mặt, dự báo vượt 1 tỷ kWh/ngày
Chia sẻ tại Hội nghị khách hàng do Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tổ chức ngày 4/4, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, trong 3 tháng đầu năm, A0 đã làm việc liên tục với Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia trong bối cảnh lượng điện tiêu thụ liên tục tăng. Theo dự báo, nắng nóng gay gắt đi kèm khô hạn sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2024 và sau đó chuyển sang mùa mưa bão từ tháng 8.
Theo ông Trung, theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ toàn quốc trung bình 762 triệu kWh/ngày. Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, lượng điện tiêu thụ đã vọt tới hơn 900 triệu kWh/ngày, tăng 11% so với đầu năm. Dự báo cao điểm những tháng mùa hè, lượng điện tiêu thụ toàn quốc sẽ đạt tới hơn 1 tỷ kWh/ngày.
Đáng chú ý, khu vực miền Bắc, được dự báo sẽ đối mặt với tình hình thiếu điện trong các tháng mùa khô, lượng điện tiêu thụ tăng rất mạnh từ đầu năm. Lượng điện sử dụng đã tăng hơn 12 triệu kWh/ngày, đạt mức 343,6 triệu kWh/ngày từ đầu tháng 4 đến nay.
Để đối phó với nguy cơ thiếu điện, từ đầu năm, A0 đã giữ mực nước ở tất cả các hồ thuỷ điện lớn ở miền Bắc. Dự kiến các hồ sẽ đầy vào ngày mai với sản lượng ước tính 4 tỷ kWh điện. Đây là nguồn dự phòng quan trọng cho hệ thống điện các tháng cao điểm 5, 6, 7.
“Để giữ nước cho thủy điện, A0 đã phải huy động tất cả các nguồn điện than để cung ứng điện cho tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Các nhà máy ở khu vực miền Bắc, không còn nhà máy nào không vận hành tối đa. Việc nhập khẩu điện cũng được thực hiện tối đa theo điều kiện lưới và tận dụng tối đa truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc. Theo tính toán dự kiến của A0, dự kiến đỉnh điểm sản lượng dùng điện sẽ tăng trưởng trên 10% thời gian tới“, ông Trung cho hay.
Theo lãnh đạo A0, dự kiến công suất từ tháng 4 đến tháng 7, sản lượng dùng điện sẽ có thể tăng cao nhất tới 17%, gây sức ép rất lớn với ngành điện và miền Bắc. Về nguồn điện, hiện Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào điện than và điện khí. Với năng lượng tái tạo, dù điện mặt trời, điện gió đã tăng lên rất nhiều nhưng sản lượng đóng góp thực tế rất thấp. EVN cũng đã phải nhập nguồn khí hoá lỏng LNG với giá thành cao để cấp điện cho khu vực miền Nam. Đây là giải pháp được áp dụng để giảm bớt gánh nặng cung ứng điện cho hệ thống nhưng đồng nghĩa tăng sức ép giá điện rất lớn.
Theo tính toán của A0, dự kiến tháng 6, công suất khả dụng của tất cả hệ thống ở miền Bắc chỉ từ 23.900-24.500 MW trong khi giờ cao điểm tiêu thụ điện lên tới 25.2450-27.480 MW. Đồng nghĩa miền Bắc có thể thiếu hụt từ gần 1.600-2.900 MW vào giờ cao điểm. Trong khi đó, công suất huy động từ các thuỷ điện nhỏ ở miền Bắc đang có từ từ 1.000-1.200 MW nhưng chỉ huy động được trong vòng vài tiếng, chủ yếu sẽ được vận hành vào cao điểm từ 12h30-15h30 và từ 19-21h tối.
“Chỉ cần các khách hàng lớn hỗ trợ điều chỉnh thời gian dùng điện sang chiều tối, giờ đêm sẽ giảm áp lực thiếu điện rất lớn cho nguồn điện và lưới điện“, ông Trung chia sẻ. Ông cũng cho biết, A0 đã yêu cầu ngành điện huy động các tổ máy phát điện duy trì các tổ máy phát điện khả dụng cao nhất có thể đồng thời tận dụng tối đa khả năng truyền tải, giữ nước các hồ thuỷ điện miền Bắc nhằm đảm bảo khả dụng cao nhất cho hệ thống điện miền Bắc và hệ thống điện quốc gia.
“Về điện nhập khẩu, hiện đã mua tối đa từ tất cả các nguồn. Thậm chí lãnh đạo EVN cũng đã có văn bản yêu cầu đàm phán mua thêm các nguồn điện để đảm bảo cung ứng trong mùa khô“, ông Trung cho hay.
Bán lỗ gần 3.000 đồng/kWh
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong quý I, điện sản xuất và nhập khẩu của Việt Nam đã tăng 11%. Nhiều tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ tăng trưởng sử dụng điện rất mạnh. Trong đó, một số tỉnh tăng trưởng sử dụng 2 con số như Bắc Ninh (28,9%), Hà Tĩnh (33%).
Theo Tổng Giám đốc EVN, tập đoàn đang phải huy động tất cả các nguồn điện trên hệ thống. Trong đó, từ hôm qua, đã phải huy động nhà máy điện dầu với giá thành cao, lên tới xấp xỉ 5.000 đồng/kWh. Với giá bán hiện tại chỉ 2.006 đồng/kWh, mỗi kWh bán ra, EVN bị lỗ gần 3.000 đồng. Các nguồn điện than, nhiệt khí, năng lượng tái tạo cũng đã được tập đoàn huy động tối đa công suất cùng với mua tối đa các nguồn điện nhập khẩu và giữ nước tối đa cho các hồ thuỷ điện để đảm bảo cho các tháng mùa khô.
Chia sẻ về kinh nghiệm tiết kiệm điện, theo ông Tuấn, khi còn là Chủ tịch EVN Hà Nội, việc tắt điều hoà ở sảnh trung tâm, sảnh lễ tân, đặt điều hoà ở mức 27 độ C trở lên đã giúp lượng điện tiêu thụ giảm tới 10%.
“Các nhà máy hoạt động liên tục với công suất cao, có thể xảy ra các nguy cơ, sự cố. Năm nay đảm bảo tối đa không dừng, ngừng cung cấp điện, trừ khi có sự cố. Rất mong UBND các tỉnh, thành phố cùng chung tay với ngành điện trong chỉ đạo, vận động người dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện“, ông Tuấn cho hay và kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị, các UBND tỉnh, thành phố cùng tham gia vận động người dân, doanh nghiệp tiết kiệm 2% lượng điện sử dụng.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, tại cuộc họp của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày 3/4 về đảm bảo cấp điện mùa khô, cũng cho thấy tăng trưởng sử dụng điện rất đáng lo ngại. Bộ trưởng Công Thương đã yêu cầu EVN phải điều chỉnh, tăng kịch bản cung ứng điện khi điện tiêu thụ tăng trên 11% trong các tháng tới.
Phạm Tuyên
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More