Chính sách

Chưa rõ ngọn ngành đã bêu rếu thầy cô lên mạng

Thực tế, có nhiều vụ việc chưa rõ ngọn ngành nhưng bị bêu rếu lên mạng xã hội, gây mất uy tín, ảnh hưởng tâm lý giáo viên. Quy định, về những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo nhằm tăng tính bảo vệ đối với đội ngũ.

Dự thảo Luật Nhà giáo có nội dung những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo đó là: “Không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý”.

Theo Bộ GD&ĐT, trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi, còn có ý kiến băn khoăn về quy định kể trên vì cho rằng nội dung này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và bênh vực nhà giáo.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT lí giải, quy định kể trên là cần thiết nhằm tăng tính bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định.

Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.

Bảo vệ danh dự, uy tín nhà giáo

Về vấn đề này, TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) nói rằng, quy định không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức là phù hợp với bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của nhà giáo và phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật.

Theo quy định của hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì mọi người người đều được pháp luật bảo vệ về danh dự nhân phẩm, uy tín, được bảo vệ về quyền nhân thân, quyền hình ảnh và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân.

Cũng theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều có quyền tố cáo, tố giác những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên không phải trường hợp nào người tố cáo, tố giác cũng đúng, nội dung tố cáo tố giác cũng có căn cứ. Đặc biệt là những thông tin bước đầu chưa được xác minh, những thông tin đăng tải một chiều trên mạng xã hội.

Nội dung tố cáo tố giác chưa được cơ quan chức năng xác minh, giải quyết, chưa có kết quả cuối cùng mà lại tự do đưa lên mạng xã hội hoặc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể sẽ xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, ảnh hưởng đến quyền nhân thân, quyền hình ảnh và danh dự nhân phẩm của công dân, trong đó có giáo viên”, LS Cường nói.

Cũng theo LS, trên thực tế, nhiều năm qua, đã có nhiều vụ việc hình ảnh, thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng của cơ sở giáo dục, của giáo viên được tùy tiện đăng tải lên mạng xã hội. Sự việc đã khiến người tiếp nhận thông tin đưa ra những nội dung bình luận thiếu tích cực, thậm chí ác ý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của giáo viên. Khi thông tin chưa đầy đủ tạo ra dư luận xã hội thiếu tích cực cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình giải quyết vụ việc, đặc biệt là sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của những người trong cuộc.

“Pháp luật cũng quy định những thông tin xác minh tin báo của cơ quan điều tra, thông tin thanh tra chưa có kết luận thì đó là những thông tin mật, không được phép công bố để bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân”, TS.LS Đặng Văn Cường.

Bởi vậy quy định không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền là phù hợp với Hiến pháp và pháp luật trong đó có thể kể đến như: Luật bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ luật dân sự, Luật an ninh mạng, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan. Giáo viên là nghề cao quý, là nghề được cả xã hội tôn trọng. Việc giáo viên vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật là những trường hợp cá biệt, không vì một vài trường hợp mà làm ảnh hưởng đến uy tín cả một ngành.

Ngoài ra, LS Đặng Văn Cường cũng cho rằng, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của giáo viên là bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của người thầy, là phù hợp với truyền thống tôn sư, trọng đạo của người Việt Nam. Quy định không công khai thông tin sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức không phải là dung túng cho sai phạm mà là bảo vệ bí mật trong quá trình xác minh. Khi thông tin chưa rõ ràng, sai phạm chưa được cơ quan có thẩm quyền kết luận thì việc bảo vệ thông tin đó là phù hợp và cần thiết.

Xã hội và pháp luật đòi hỏi người thầy phải là tấm gương mẫu mực, phải có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bởi vậy nếu giáo viên vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khi có kết luận cuối cùng có hiệu lực pháp luật, họ cần được bảo vệ, đó cũng chính là bảo vệ uy tín của ngành.

Và khi đã có kết luận chính thức, đã xác định là có vi phạm thì nhà giáo cũng như mọi người dân, vi phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó theo quy định của pháp luật.

Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

Tin khác

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Anpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

Thiệt hại 1,5ha rừng do cháy rừng tại núi Mã Chàng, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên)

Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…

20/12/2024

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ thông xe đường Đỗ Mười kéo dài

Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More