“Tiền mất, tật mang”
Sau gần 3 tuần điều trị tại Khoa Tâm căn-Thư giãn (Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng), sức khỏe người bệnh Lê Khắc N., sinh năm 1988, ở xã Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên) dần ổn định. Anh N. cho biết, anh không còn cảm giác trống ngực, lo âu nữa, cơn đau đầu giảm nhiều so với ngày nhập viện; ăn, ngủ tốt hơn; huyết áp trở về chỉ số bình thường.
“Cách đây gần 10 năm, tôi bị mất ngủ, luôn có cảm giác lo âu, tim đập nhanh, trống ngực nên nghĩ mình mắc bệnh tim mạch và đi khám bệnh ở nhiều phòng khám, nhưng các bác sĩ đều bảo tim mạch tôi ổn định. Khám không ra bệnh, mẹ tôi, sau này là vợ tôi tìm tới giải pháp tâm linh. “Đi xem” nhiều nơi, các thầy bói, thầy cúng “phán” tôi bị “vong nhập” và yêu cầu sửa biện lễ vật để giải vong. Tuy nhiên cứ một thời gian ngắn, bệnh tình tái phát. Các thầy bói lại bảo tôi phải lập bát hương, thỉnh bùa phòng thân…”, anh N. giãi bày. Theo lời kể của người thân anh N., suốt thời gian dài như vậy, bao nhiêu tích cóp trong gia đình “đội nón ra đi” vì mỗi lần cúng từ 3-5 triệu đồng, có lần hơn 10 triệu đồng mà “bệnh vẫn hoàn bệnh”. Chỉ đến khi sức khỏe anh N. chuyển biến xấu, huyết áp tăng vọt, đầu đau “như búa bổ” nên gia đình đưa anh tới bệnh viện.
Bác sĩ Phạm Thị Huyền, Phó trưởng Khoa Tâm căn-Thư giãn cho biết, phần lớn người bệnh có biểu hiện lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, tâm thần phân liệt, ảo giác… đến điều trị tại khoa thì trước đó đều đi cúng bái, xem bói. Nhiều gia đình người bệnh từng nghỉ việc đưa người bệnh đi nhiều nơi, xem nhiều thầy, khi thấy không hiệu quả, tốn kém tiền của mới đưa tới bệnh viện.
“Việc không đưa người bệnh tới khám, điều trị kịp thời làm mất “giai đoạn vàng” để chữa bệnh, các triệu chứng kéo dài và tăng nặng hơn, đáp ứng điều trị kém hơn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người bệnh, tạo gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Với những người bệnh này, bác sĩ phải sử dụng nhiều biện pháp hơn, trong đó chú trọng sử dụng thuốc và biện pháp tâm lý, nhận thức hành vi để giúp người bệnh nhận thức rõ nguyên nhân bệnh không phải do ma quỷ, từ đó, giúp người bệnh yên tâm, tích cực phối hợp điều trị”, bác sĩ Huyền cho biết.
Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cho thấy, biểu hiện tình trạng người bệnh khi mới nhập viện khá phong phú. Có trường hợp bị bỏng toàn thân do hơ hương vào người để “bắt ma”; có trường hợp vừa loạn thần, ảo giác, vừa bị ngộ độc do uống nước pha tàn hương. Lại có cặp vợ chồng cùng đi cúng “bắt ma”, khi đang cúng thì bị “vong nhập” liền có hành vi gây nguy hiểm tới tính mạng người thân. Có trường hợp là viên chức khi đang ở nhà thầy cúng thì phát bệnh, leo lên bàn thờ ngồi, bẻ chuối ăn khiến thầy cúng “bó tay” hoặc chính người bệnh cũng từng là “thầy”, lập đền, phủ để xem bói, cúng cho nhiều người khác…
Có bệnh phải tới bệnh viện
Lý giải tại sao người bệnh tâm thần, hoặc người nhà người bệnh thường đến các thầy bói, thầy cúng để chữa trị, TS.BS. Đàm Đức Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cho biết, trước hết do hiểu biết về bệnh tâm thần của người dân hạn chế. Trong đó, nhiều người có biểu hiện bệnh tâm thần nhưng đi khám đa khoa chưa phát hiện tổn thương gì. Trong khi đó, biểu hiện bệnh tâm thần thường đa dạng, phong phú, không phát hiện bằng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh được.
Biểu hiện thường là ảo giác như nghe thấy có “người âm” nói về cái chết, nhìn thấy ma quỷ hoặc cảm giác có ma quỷ theo dõi, bị “vong nhập”, tin vào các “thánh cô” nên vái lạy, điều trị bằng cách thực hiện các nghi thức trừ ma, dẫn ma ra khỏi cơ thể người bệnh. Bên cạnh đó, tâm lý “do ăn ở” hoặc “do kiếp trước” nên “kiếp này” phải trả khiến người bệnh bị kỳ thị và không được quan tâm chữa trị đúng cách. Từ đó càng làm người bệnh, người nhà người bệnh tin vào thần linh, thần thánh, hay thế lực siêu nhiên nào đó. “Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, chúng tôi nhận thấy, bệnh tâm thần thường xuất hiện, bùng phát hay tăng nặng khi có căn nguyên tâm lý như tang tóc, stress kéo dài mà không tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Từ đó, người bệnh tìm đến mê tín dị đoan để mong có cách giải quyết, mong mọi chuyện tốt đẹp hơn”, TS.BS. Đàm Đức Thắng phân tích.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần liên quan tới stress, tỷ lệ này ngày càng có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do áp lực từ cuộc sống như sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân…
“Sau stress ai cũng có cảm xúc căng thẳng nhất định. Tuy nhiên, nếu thấy trước đây khỏe, mà nay xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch (hồi hộp, trống ngực) nhưng không thể giải thích được về mặt cơ thể, không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng… người dân nên đến khám ở các chuyên khoa sức khỏe tâm thần”, TS.BS. Đàm Đức Thắng khuyến cáo.
Bài và Ảnh: Nam Giang
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…
Sáng 18/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực…
Chiều 18/12, UBND thành phố tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More