Canh cánh nỗi lo thiệt hại
Xã Tân Viên (huyện An Lão) là vùng chăn nuôi tập trung của toàn huyện và thành phố với hơn 80 trang trại, gia trại. Trong cơn bão số 3, nhiều hộ ra sức bảo vệ, chằng chống cho trang trại, gia trại nhưng sức gió lớn vẫn làm sập, đổ, tốc mái một số trang trại, gia trại. Tại thôn Kinh Điền, xã Tân Viên, 3 hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và lợn ở cùng khu vực tập trung của thôn, trong đó 2 hộ có 11 nghìn con gia cầm chết, một hộ bị tốc mái trang trại lợn nhưng lợn được kịp thời cứu sống.
Ông Ninh Văn Khánh ở thôn Kinh Điền cho biết, ngay hôm bão các trang trại chăn nuôi bị thiệt hại lớn. Sau bão, trời lại tiếp tục mưa dẫn đến số gia súc, gia cầm còn sống sót cũng khó chăm sóc, bảo vệ. Tính đến ngày 11/9, toàn xã có 42 nghìn gia súc, gia cầm bị chết và nước cuốn trôi.
Không chỉ vùng chăn nuôi ở xã Tân Viên, các vùng chăn nuôi tập trung ở nhiều địa phương khác như Hồng Phong, Đại Bản (huyện An Dương), Tú Sơn, Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), người chăn nuôi vẫn lo lắng vì mưa lớn nhiều ngày sau bão sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chăn nuôi và khó có biện pháp chống đỡ. Hiện, các hộ chăn nuôi các xã ở xa khu dân cư, thậm chí ở trong và bãi ngoài đê, vì vậy nguy cơ cao sau bão, nước sông ở mức cao trong khi các trang trại, gia trại vẫn trong tình trạng ngập lụt, khó tiêu thoát nước. Tại khu vực xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy), trong bão một số trang trại, gia trại chỉ bị tốc mái nhưng nguy cơ mưa to làm toàn bộ khu vực trang trại tập trung của thôn ngập lụt khiến người chăn nuôi khó xoay xở đối với đàn gia súc, gia cầm còn lại.
Theo báo cáo sơ bộ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơn bão số 3 làm chết 543 nghìn gia cầm, 1.260 gia súc. Nhiều cơ sở chăn nuôi bị tốc mái, hỏng hệ thống thông gió, ngập, lụt. Nếu những ngày tới vẫn tiếp tục có mưa lớn, ngành chăn nuôi sẽ thiệt hại thêm, nhất là khó bảo đảm an toàn lâu dài cho đàn gia súc, gia cầm khi chuồng trại bị lụt lội. Với thiệt hại lớn của ngành chăn nuôi, dự báo sản phẩm chăn nuôi cung ứng cho thị trường sau khi bão tan sẽ gặp nhiều khó khăn…
Tập trung xử lý môi trường và dịch bệnh
Ngay sau bão số 3, mặc dù thời tiết còn mưa lớn nhưng đoàn cán bộ của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thực tế nhiều khu vực trang trại chăn nuôi ở một số địa phương thuộc các huyện An Lão, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương… Đoàn hướng dẫn các trang trại chăn nuôi các biện pháp xử lý môi trường sau mưa, bão và chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương có vùng chăn nuôi tập trung cao công tác chỉ đạo bảo vệ các trang trại, gia trại, thu dọn, chằng buộc lại cơ sở vật chất.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Bá Công, sau mưa bão, nếu người chăn nuôi không xử lý kịp thời sẽ nguy cơ cao ảnh hưởng đến môi trường chăn nuôi. Vì vậy, các địa phương tổ chức kiểm tra, phát hiện thu gom xác gia súc, gia cầm chết và tiêu hủy theo quy định; thực hiện ngay việc tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm còn sống sót. Vận động các hộ chăn nuôi khẩn trương khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất; tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài sau khi nước rút, vùng có nguy cơ cao… Đối với khu vực chăn nuôi bị lụt cần dồn vật nuôi vào những nơi cao hơn, tránh trú để không bị nước mưa và ngập lụt…
Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y Hải Phòng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời điểm sau bão tiếp tục có mưa lớn là môi trường thuận lợi để phát sinh dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch bệnh và tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi sau bão cần được các trang trại chú trọng. Các trang trại, gia trại vẫn phải chủ động tiêm phòng một số bệnh cho gia súc, gia cầm, bổ sung các loại thuốc tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Sau mưa bão, nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể hư hỏng, bùn đất nổi lên bám vào cỏ cây khiến sức khỏe của đàn vật nuôi giảm sút. Vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt… Các hộ chăn nuôi giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi, trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm cần báo cáo ngay chính quyền địa phương, trạm chăn nuôi và thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời…
Cùng với công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi chú trọng tái đàn để bảo đảm sản phẩm chăn nuôi cung ứng thị trường trong dịp cuối năm 2024.
Bài: Hương An
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19/12, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ…
Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More