Sáng 30.7, tại Cung Văn hóa Việt Tiệp, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã có buổi đối thoại với đại diện công nhân viên chức, đoàn viên công đoàn thành phố về việc thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật cho người lao động (NLĐ) trên địa bàn thành phố.
Nợ đọng BHXH ảnh hưởng quyền lợi NLĐ
Cùng dự buổi đối thoại còn có Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Lê Khắc Nam, lãnh đạo các đơn vị Công an, Y tế, Giáo dục, Xây dựng, LĐTBXH, BHXH, Nội vụ… và đại diện các công đoàn quận, huyện, ngành, các Chủ tịch CĐCS, NLĐ ở các DN. Tại buổi đối thoại, có 11 ý kiến của NLĐ, CĐCS nêu kiến nghị đối với Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng. Ông Nguyễn Văn Tùng đã yêu cầu các kiến nghị của NLĐ liên quan đến lĩnh lực nào thì đại diện ngành đó sẽ phải trả lời về các biện pháp giải quyết.
Anh Đỗ Ngọc Thanh – Chủ tịch Công đoàn Cty Vật liệu kỹ thuật điện (LĐLĐ quận Hồng Bàng) – nêu, nhiều DN đang nợ BHXH lên đến hàng trăm tỉ đồng do làm ăn thua lỗ, phá sản, chủ DN bỏ trốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ khi không được giải quyết các chế độ chính sách liên quan đến ốm đau, thai sản, chuyển việc…
Về vấn đề này, ông Đào Xuân Hải – Phó Giám đốc BHXH Hải Phòng – cho biết: Hiện trên địa bàn TP.Hải Phòng tồn đọng số nợ BHXH lên tới 700 – 800 tỉ đồng, chiếm 9,6% tổng doanh số của BHXH thành phố, đứng thứ ba toàn quốc về số nợ lớn. Nguyên nhân là do số nợ tập trung chủ yếu ở các DN thuộc Tập đoàn Vinashin trước đây (gần 300 tỉ đồng), Lisemco (gần 70 tỉ đồng), một số DN phá sản, chủ DN bỏ trốn nợ khoảng 120 tỉ đồng. Theo đại diện BHXH Hải Phòng, việc DN nợ BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. BHXH Hải Phòng đã vận dụng biện pháp cho các DN đóng BHXH cho các trường hợp giải quyết các chế độ chính sách liên quan đến ốm đau, thai sản.
Về kiến nghị những giáo viên mầm non làm hợp đồng ở các trường mầm non không được hưởng mức lương tối thiểu vùng, bà Nguyễn Thị Thu – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng – cho biết, đây là trách nhiệm của người đứng đầu sử dụng lao động. Đồng thời, bà Thu đề xuất Sở sẽ kiểm tra việc ký kết hợp đồng, trả tiền lương ở các đơn vị sự nghiệp công lập có ký kết hợp đồng lao động trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Xây dựng quy chuẩn tạm về nhà trọ công nhân
Bà Đinh Thị Nga – Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Phúc Thuận (huyện Tiên Lãng) – kiến nghị: Hiện tại, toàn thành phố có hơn 170 khu nhà trọ với 1.732 phòng trọ, nhưng các quy chuẩn về an toàn, phòng chống cháy nổ chưa đảm bảo.
Về việc này, ông Phùng Văn Thanh – Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng – cho hay: Hiện nay, hệ thống pháp luật về nhà ở chưa có quy định về xây dựng phòng trọ cho thuê, giá thuê. Sở Xây dựng Hải Phòng đang nghiên cứu, tham mưu cho thành phố ban hành Quy chế quản lý nhà ở cho CNLĐ thuê với các nội dung dự kiến đề xuất như sau: Khu đất xây nhà trọ không thuộc khu vực cấm, không thuộc hành lang an toàn giao thông, lưới điện, đê điều, khu vực giải tỏa, không phải đất lấn chiếm… Diện tích xây dựng không được quá 70% tổng khu đất, mỗi phòng tối thiểu 9m2 có hệ thống điện, nước, và điều kiện vệ sinh cụ thể, tổi thiểu 3m2/người. Móng nhà phải đảm bảo ổn định, chịu được tải trọng căn nhà. Hành lang giữa hai dãy tối thiểu phải 1,4m, không được làm bằng vật liệu dễ cháy nổ, có thiết bị phòng chữa cháy. Trang thiết bị phải có quạt treo tường, ổ điện, bóng điện, giường đơn cho mỗi người…
“Về giá thuê phòng trọ và chính sách ưu đãi vay vốn cho các gia đình có đất nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư nhà trọ, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất phương án áp dụng chính sách như đối với nhà xã hội, được vay từ nguồn vốn cho vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội” – ông Thanh nói.
Về kiến nghị thiếu trường mầm non cho CNLĐ, nhất là CNLĐ trong các KCN, KCX, ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng – nói rằng, nhiều KCN, đô thị chưa dành quỹ đất cho trường mầm non. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu thành phố, yêu cầu phải bổ sung quy hoạch các dự án chưa dành đất cho trường mầm non, đặc biệt là ở các KCN mới, các chung cư.
Một số các vấn đề như xây dựng các thiết chế CĐ và chăm lo đời sống tinh thần cho CNVCLĐ, việc khám chữa bệnh định kỳ chưa được thực hiện nghiêm túc, khám chữa bệnh ngày chủ nhật không được hưởng BHYT, việc hỗ trợ kinh phí để lắp đặt wifi miễn phí cho công nhân nhà trọ, vấn đề ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể công nhân… cũng được lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao, Sở LĐTBXH, Sở Tài chính, Sở Y tế trả lời cụ thể.
Vấn đề giao thông ùn tắc tại đường ra khu vực Đình Vũ và KCN Vsip, vấn đề an ninh trật từ khu vực cầu Kiền, vấn đề tín dụng đen… trong công nhân cũng được giám đốc Sở GTVT Nguyễn Đức Thọ và Phó Giám đốc Công an Hải Phòng Nguyễn Quốc Hùng trả lời.
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã yêu cầu các sở, ngành sau khi trả lời kiến nghị của các CĐCS, NLĐ thành phố phải nghiêm túc thực hiện những vấn đề đã trao đổi, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
HOÀNG HOAN Theo Báo Lao động