Print Thứ Ba, 04/01/2022 20:05 Gốc

Chủ tịch nước cho biết, khi bơm tiền cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng, phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng nhưng trong tầm kiểm soát.

Chiều 4/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

“Tránh tình trạng không cầm cân được khiến lạm phát tăng”

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế rất cần thiết vào lúc này. Chủ tịch nước cho biết, nhiều nước rất mạnh tay chi ngân sách cho phục hồi kinh tế.

Với Việt Nam, khi bơm tiền cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng, phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng, nhưng trong tầm kiểm soát, vì không còn cách nào khác. Trong đó, mục tiêu cao nhất phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói: “Anh tung tiền ra nhiều nhưng phải tránh tình trạng không “cầm cân” được khiến lạm phát tăng”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Nhìn nhận gói hỗ trợ tài khóa so với các nước còn rất nhỏ, Chủ tịch nước cho rằng gói hỗ trợ này là mức tối thiểu cần thiết, không cần quá lo lạm phát mà không thực hiện hỗ trợ.

Trong gói này, Chủ tịch nước lưu ý ưu tiên, tăng nguồn lực đầu tư cho y tế, vì hệ thống y tế cơ sở đang quá yếu kém. Đối với gói hỗ trợ cho người lao động khu vực ảnh hưởng, lãnh đạo nhà nước đề nghị, cần đẩy nhanh, khẩn trương quyết liệt thực hiện để sớm đến tay người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, vì nhiều gói hỗ trợ còn chậm. Phải làm sao hỗ trợ nhanh nhất, thuận tiện nhất và chống tham ô, lãng phí tốt nhất.

Bên cạnh đó, Chủ tịch gợi mở cần có giải pháp để củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua đối thoại thường xuyên, giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, giữ chân họ ở thị trường Việt Nam, chấm dứt tình trạng “vừa rải thảm, vừa rải đinh”.

Chủ tịch nước cũng đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm thu ngân sách nhà nước bền vững hơn; tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế.

Cần có một hệ thống giải pháp chứ không phải chỉ tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ”, Chủ tịch nước lưu ý.

Cần tính toán chi tiết dự kiến quy mô các gói hỗ trợ

Đại biểu Nguyễn Phú Cường (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) cho rằng kinh tế Việt Nam như “cơ thể” chuẩn bị hết bệnh cần thuốc phục hồi. Sức khỏe doanh nghiệp, người dân kiệt quệ sau đại dịch, do đó gói phục hồi kinh nếu được ban hành sớm thì phục vụ cho quá trình khôi phục nền kinh tế.

Theo ông Cường, Chính phủ đề xuất gói này bao gồm chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, hỗ trợ tài khóa gồm kích cầu và cả kích cung với quy mô 290.000 tỷ đồng như giảm phí, lệ phí 64.000 tỷ đồng.

Ông Cường cho rằng, sau khi doanh nghiệp được giảm các loại phí, lệ phí giúp giảm chi phí sản xuất có điều kiện phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, gói chính sách cũng được thiết kế chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển.

Còn theo đại biểu Phan Chí Hiếu (tỉnh Thái Bình), gói hỗ trợ của chương trình phải có quy mô đủ lớn, đúng và trúng đối tượng. Đại biểu đề nghị cần tính toán chi tiết dự kiến quy mô các gói hỗ trợ, sát với thực tế sau này càng dễ thực hiện.

Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, chương trình này bản chất là hỗ trợ kịp thời và ngắn hạn trong thời hạn khoảng 2 năm. Do đó, những khoản này phải hấp thụ trong đủ 2 năm. Nếu không hấp thụ kịp sẽ sai mục đích của chương trình này, bài toán giải ngân trong 2 năm là rất khó.

Một vấn đề nữa, vị đại biểu này đặt ra là nguồn lực ở đâu? Bởi theo ông, vốn ODA hiện chưa rõ nguồn này có khả thi không, trong khi nguồn lực huy động từ cổ phần hóa cũng chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi tờ trình dự kiến đưa ra con số cao hơn nhiều lần.

Tôi cũng đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ nếu không huy động kịp nguồn lực sẽ ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ của chương trình”, ông Hiếu nói.

Dương Thị Thu Nga

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chủ tịch nước: “Bơm tiền cho nền kinh tế, phải chấp nhận nợ công tăng”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác