Theo ông Thiều Kim Quỳnh – Chủ tịch HĐTV EVNNPC, cái khó nhất trong công cuộc đổi mới EVNNPC đã thông tư tưởng đã ‘ăn sâu, bám rễ’ trong người lao động là ngồi chờ khách hàng đến tìm mình sang chủ động đi tìm khách hàng.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày lập Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Thiều Kim Quỳnh.
“Từng 3, 4 trong 1”
* Trưởng thành trong “cái nôi” của ngành điện, điều gì khiến ông cảm thấy thú vị nhất khi nói về lịch sử của EVNNPC?
– Tập đoàn Điện lực (EVN) bây giờ bao gồm những Tổng công ty phân phối, truyền tải và phát điện chuyên biệt, nhưng hàng chục năm trước “bóng dáng” của những mô hình này đã xuất hiện ở EVNNPC. “Điện miền Bắc” ngoài việc phân phối điện năng, trước đây đã từng làm nhiệm vụ xây dựng và phát triển nguồn điện ở Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và Thủy điện Hòa Bình, rồi tham gia vận hành đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc – Nam mạch 1…
Đến năm 1995, khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam ra đời, Công ty Điện lực 1 từ Bộ Năng lượng chuyển về trực thuộc EVN, với các nhà máy điện lớn ở miền Bắc, Sở Truyền tải điện và Trung tâm máy tính – thông tin… Có thể nói, đến thời điểm đó, EVNNPC đã cơ bản xây dựng và hoàn thiện khép kín hệ thống điện Việt Nam để bàn giao phát tải cho EVN.
Không những thế, người của “Điện miền Bắc” cũng đã có mặt khắp nơi trên đất nước, từ những ngày đầu mới giải phóng, đã chi viện nhân lực tay nghề cao để khôi phục lại Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và đường dây 230 kV Đa Nhim – Sài Gòn; đồng thời còn đóng góp nhân lực để hình thành nên các Công ty Điện lực 2, 3 tiền thân của các Tổng công ty Điện lực miền Trung và miền Nam ngày nay. Nói EVNNPC là “chiếc nôi” của ngành Điện là đúng thực tế, và cũng là một sự ghi nhận công lao đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, người lao động ở đây.
* Nhưng gần 10 năm lại đây, khi EVNNPC chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ – công ty con cũng là thời gian gắn với vai trò quản lý của ông, ông có thể nói gì về những việc tâm huyết trong giai đoạn này?
– Đây là giai đoạn này có sự thay đổi cả về lượng và chất, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước. Điểm đáng lưu ý ở EVNNPC giai đoạn này là bộ máy tổ chức được cơ cấu kiện toàn; EVNNPC tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn, điện được đưa đến tận các thôn bản miền núi, hải đảo xa xôi và người dân thì được hưởng giá điện theo quy định của Chính phủ, góp phần xóa đói giảm nghèo; tiếp đó, chúng tôi đã tối ưu hóa được chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, ứng dụng khoa học công nghệ và bắt đầu có dấu ấn trong đổi mới quản trị, hình thành văn hóa doanh nghiệp để nâng tầm thương hiệu.
Đến nay, EVNNPC là đơn vị dẫn đầu toàn ngành về điện nông thôn; là đơn vị có tốc độ gia tăng điện thương phẩm (12 – 14%/năm) cũng như doanh thu cao nhất EVN. Đặc biệt, điện thương phẩm khối công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng cao với hơn 65%, đảm bảo cho nhiều khu công nghiệp nhà máy hoạt động ổn định trên toàn miền Bắc, điển hình như Khu công nghiệp Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và nhiều khu, cụm khác ở Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam… Ngoài ra, chỉ số tiếp cận điện năng cũng cải thiện rõ rệt (5,77/7 ngày) so với quy định, đã góp phần đưa chỉ số tiếp cận điện năng của EVN tăng 129 bậc…
Từ ngồi chờ khách hàng đến đi tìm khách hàng
* Nói về tiếp cận điện năng, chất lượng, thái độ phục vụ thì tôi quan sát thấy đó là một thay đổi cực lớn bắt đầu trong cách suy nghĩ của những người đứng đầu ngành điện, thậm chí có người ví von đó là cả cuộc cách mạng tư duy, ông thấy sao?
– Ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển, với những mục tiêu, đòi hỏi khác nhau thì phải luôn có cách nghĩ mới. Tôi lấy ví dụ, thời điểm bao cấp, khi còn thiếu điện, ngành Điện cung cấp thế nào, khách hàng nhận thế đó. Ngành Điện khi ấy bỗng dung thấy mình vô cùng “quan trọng”! Nhưng giờ, cung – cầu đã thay đổi, cả ngành Điện và EVNNPC cũng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm vì đó là sự tồn tại của chính mình.
Nhưng tôi đồng ý với anh ở điểm, làm sao để thay đổi được nếp nghĩ trong hàng vạn người lao động để EVNNPC thực sự là một đơn vị dịch vụ, khách hàng phải thực sự là trung tâm của dịch vụ đó – là một áp lực lớn với cả ban lãnh đạo EVNNPC chứ không riêng cá nhân tôi.
Trên thực tế, chúng tôi đã và đang thay đổi dần tư duy đó. Cụ thể, sau gần 10 năm hoạt động theo khẩu hiệu “Vì sự phát triển cộng đồng” nay EVNNPC đã hành động theo phương châm “Vì niềm tin của bạn”, để có sự tín nhiệm của khách hàng. Từ chỗ ngồi chờ khách hàng tìm đến mình thì giờ đây chúng tôi chủ động tìm đến khách hàng.
Phải nói thật, khi thay đổi một cái gì đó đã “ăn sâu, bám rễ” trong một thời gian dài ở một ai đó – không phải là đơn giản, nhưng tập thể chúng tôi đã quyết tâm làm chứ không thể ngồi nhìn nhau với niềm niềm tự hào mình là “chiếc nôi” để nhận lấy sự tụt hậu, sự “hụt hơi” khi ngoài kia, các ngành dịch vụ – người ta đang từng ngày, từng giờ chuyển động…