Print Thứ Sáu, 09/08/2019 08:18

Địa lý đất nước ta từ xưa đã được mô tả ngắn gọn trong câu “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, dịch nghĩa là “rừng núi chiếm ba phần, đất đai chỉ một phần, còn biển gấp tới bốn phần. Đó là cách nói ước lệ để chỉ đặc trưng địa lý mà thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho Việt Nam.

Dịch vụ cảng biển khẳng định vai trò kinh tế mũi nhọn trong chiến lược biển Việt Nam

Như đã đề cập ở kỳ trước, Việt Nam có chiều dài bờ biển gắn liền với Biển Đông, nên vị thế Việt Nam là một thành phần không thể tách rời với vùng biển này. Nói cách khác, các mối quan hệ với biển Đông mang tính chất sống còn với Việt Nam, bao gồm cả những yếu tố địa lý tự nhiên lẫn lộ trình lịch sử.

Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai của nước ta. Về vị trí địa lý, Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, hơn 3.000 hòn đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước có 28 tỉnh, thành phố giáp biển.

Biển Đông không chỉ là nguồn sống cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm, mà còn là cửa ngõ để Việt Nam phát triển các ngành kinh tế có quan hệ trực tiếp với các miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hóa.

Xét về khía cạnh kinh tế, biển Đông đã tạo điều kiện để Việt Nam phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch… Điều kiện tự nhiên của bờ biển Việt Nam đã tạo ra tiềm năng vô cùng to lớn cho ngành giao thông hàng hải, kết quả khảo sát cho thấy, dọc bờ biển Việt Nam có 10 điểm có thể xây dựng cảng biển nước sâu và nhiều điểm cảng trung bình.

Bên cạnh đó, biển Đông cung cấp nguồn lợi hải sản rất quan trọng, theo điều tra về nguồn lợi hải sản, tính đa dạng sinh học trong vùng biển nước ta đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy, 2.400 loài cá (trong đó có 130 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 225 loài tôm biển…

Trữ lượng cá biển ước tính khoảng 3,1 đến 4,1 triệu tấn. Nguồn lợi hải sản phong phú đã góp phần đưa ngành thủy sản nước ta trở thành một trong những ngành kinh tế chủ đạo với giá trị xuất khẩu cao trên thế giới.

Nhưng tính trên giá trị kinh tế, thì hiện dầu khí là nguồn tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa nước ta, có tầm chiến lược quan trọng. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Việt Nam đã thành công trong việc tham dò, phát hiện tài nguyên dầu khí trong thềm lục địa, mở đường cho một phân ngành kinh tế lớn và ghi tên mình vào bản đồ công nghiệp khai thác dầu khí thế giới.

Cho đến nay đã xác định được trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam hiện diện 8 bể trầm tích là bể Sông Hồng, Hoàng Sa, Phú Khánh, Cửu Long,  Nam Côn Sơn, Tư Chính- Vũng Mây, Trường Sa và  Mã lai -Thổ Chu… được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất và khai thác thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất của toàn thềm lục địa Việt Nam xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác 4 đến 5 tỷ tấn, trữ lượng khí dự báo khoảng 1.000 tỷ m3.

Cũng với biển Đông, Việt Nam còn được biết đến với tiềm năng vô cùng phong phú để phát triển du lịch, vốn được mệnh danh là ngành “công nghiệp không khói”.

Do đặc điểm kiến tạo của khu vực, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển đã tạo nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng, nhiều vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và các đảo lớn nhỏ liên kết với nhau thành quần thể du lịch hiếm có trên thế giới. Ngoài ra, ven biển Việt Nam chứa đựng một nguồn tài nguyên khoáng sản to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, vàng, sắt, mangan, thạch cao, đất hiếm…

Trên lĩnh vực quốc phòng an ninh, biển đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên biển Đông, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.

Những đề cập trên cho thấy, biển Đông là vấn đề liên quan mật thiết đến tình hình an ninh chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chính vì vậy, việc hoàn thiện các thể chế pháp lý đối với Biển Đông luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng

 Hoàng Minh (còn nữa)

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chủ quyền biển, đảo Việt Nam (Kỳ 2): Tiềm năng, vị thế Việt Nam
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác