Print Thứ Năm, 08/08/2019 09:05

Là một quốc gia ven biển, từ hàng nghìn năm nay, biển, đảo đã gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cũng đứng trước những thách thức lớn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng, khai thác và bảo vệ tài nguyên, bảo đảm thi hành pháp luật trên biển. Nhằm hỗ trợ bạn đọc hiểu rõ hơn, từ số báo này Báo An Ninh Hải Phòng xin giới thiệu loạt chuyên đề liên quan đến biển, đảo của Việt Nam

Gần một nửa lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trên thế giới đi qua biển Đông (ảnh minh họa)

Biển Đông (hay Đông Hải) là tên gọi truyền thống riêng của Việt Nam để nói đến vùng biển nằm ở phía Đông Việt Nam, là một biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, bao phủ diện tích khoảng 3.447.000 km2

Biển Đông tiếp giáp với 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và một vùng lãnh thổ của Trung Quốc là Đài Loan, có vị trí chiến lược đối với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới, mỗi ngày có khoảng từ 150 đến 200 tàu các loại qua lại. Trong đó có khoảng 50% tàu trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% tàu trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.

Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực, nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và cả Trung Quốc.

Khu vực biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có eo biển Malacca, được coi là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.

Theo một số liệu tính toán, hiện hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển, thì 45% trong số đó phải đi qua vùng biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama.

Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Tương tự khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua đây.

Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật với hơn 1.000 loài cá, trong đó có 20 loài cá có giá trị cao, cùng tài nguyên phi sinh vật như dầu khí, khoáng sản. Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới.

Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, sông Hồng, cửa sông Châu Giang… Các khu vực tiềm năng dầu khí chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Ngoài ra, Biển Đông còn là vùng nước sâu rộng lớn, có nhiều tiền đề thuận lợi cho việc tạo thành và tích tụ khí hydrat (bang cháy), được coi là nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ cho tương lai.

Biển Đông có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa có khoảng 30 đảo, đá, bãi cạn nằm trong một phạm vi rộng khoảng 15.000 km2 được chia làm hai nhóm (nhóm An Vĩnh ở phía Đông và nhóm Lưỡi Liềm ở phía Tây), cách Đà Nẵng (Việt Nam) khoảng 170 hải lý; khoảng cách từ Đông sang Tây của quần đảo khoảng 95 hải lý và từ Bắc xuống Nam khoảng 90 hải lý.

Quần đảo Trường Sa nằm về phía Nam Biển Đông, ở phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, gồm khoảng 100 đảo, đá, bãi cạn nằm trong một phạm vi rộng khoảng 160.000 đến 180.000km2, cách Cam Ranh (Việt Nam) khoảng 250 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 552 hải lý; khoảng cách từ Đông sang Tây của quần đảo khoảng 325 hải lý và từ Bắc xuống Nam khoảng 274 hải lý.

Với vai trò chiến lược như vậy, biển Đông thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quốc gia có chiều dài bờ biển gắn liền với biển Đông. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đã và đang được khai thác, biển Đông cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp quốc tế, có thể dẫn đến tổn hại trầm trọng về an ninh khu vực.

Hoàng Minh (còn nữa)

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chủ quyền biển, đảo Việt Nam (Kỳ 1): Biển Đông
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác