Print Thứ Sáu, 09/06/2023 12:55 Gốc

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các cảnh báo về thiếu điện đã được đưa ra cách đây vài năm, trước khi diễn ra dịch COVID-D19. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi lại ở mức khoảng 6-7%, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn chứ không phải chỉ như hiện nay.

Thiếu điện đã được cảnh báo nhiều năm trước

Trả lời bên hành lang Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Quốc hội khi tổng kết Nghị quyết 31 về dừng đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị xem xét lại chủ trương đầu tư lĩnh vực này.

Bởi, việc phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) tỉ lệ phát có mức độ, chiếm tỉ trọng nhất định trong tổng đầu tư chứ không thể phát triển ồ ạt.

Dẫn lại câu nói của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên “không có cái nắng, cái gió, phải có cái đó chen vào“, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng: “Ban ngày có nắng thì mới có điện mặt trời, còn ban đêm không có nắng thì lấy đâu ra.

Năng lượng tái tạo phát triển nhiều ở vùng không có phụ tải, phải truyền tải đi xa, muốn làm vậy phải có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược đầu tư rõ ràng. Còn đầu tư rồi, không đồng bộ với truyền tải thì không được“, ông Thanh nêu quan điểm.

Nhắc lại việc đã đưa ra cảnh báo thiếu điện từ vài năm trước, ông Thanh cho rằng, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi lại ở mức khoảng 6-7%, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn chứ không phải chỉ như hiện nay.

Nói về nguyên nhân thiếu điện, ngành điện cho rằng, do nắng nóng dẫn đến tiêu thụ điện tăng vọt, nên phải cắt điện luân phiên để giảm tải. Thế nhưng, một thực tế khác được chỉ ra là trong những năm qua không có dự án nào lớn được đầu tư, và nếu có thì cũng chậm triển khai.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế. Ảnh: Phạm Thắng.

Việc này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, “đã có báo cáo cả rồi“. Ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra rất rõ những doanh nghiệp chậm ở các dự án nguồn điện, do các tập đoàn năng lượng triển khai đầu tư, bao gồm Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than và Khoáng sản.

Đặt trong bối cảnh thực hiện Quy hoạch điện VIII, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận sẽ có nhiều bài toán đặt ra để đảm bảo cung ứng điện.

Nêu rõ thực tế về phát triển thủy điện, ông Vũ Hồng Thanh cho biết hiện nguồn này đã khai thác tới 80% công suất và gần như “không còn dư địa phát triển“.

Trong khi đó, việc phát triển nguồn nhiệt điện than phải được đặt trong mối quan hệ với những cam kết của Việt Nam tại COP26. Vì vậy, ông Thanh cho rằng, việc ứng xử với điện than cũng là câu chuyện phải tính.

Nghị quyết 55, cam kết COP26 có cả rồi, giờ về tài chính thì phải thực hiện“, ông Thanh nói. Ông cho biết, tới đây Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ thực hiện chuyên đề giám sát về năng lượng.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho biết, “việc cắt điện không phải chỉ luân phiên 1-2 tiếng mà cắt cả ngày cả đêm nên ảnh hưởng rất nghiêm trọng đời sống nhân dân, kinh tế xã hội“, nữ đại biểu nêu thực tế.

Dù Chính phủ đã có chủ trương phát triển điện tái tạo cùng với nhiệt điện than, khí, nhưng bà Lan đánh giá kế hoạch kết nối và sử dụng điện tái tạo còn chậm. Việc vận hành hệ thống nhiệt điện cũng chưa chủ động, chưa có chiến lược đảm bảo nguồn điện.

Từ thực tế này, bà nhấn mạnh phải đặt ra việc triển khai Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, xây dựng chiến lược và kế hoạch đáp ứng điện trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Gỡ khó về nguồn, đảm bảo đủ điện cho nhân dân

Ông Phạm Văn Hoà, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu thực trạng, hiện nay, nhiều dự án điện tái tạo đã hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể đấu nối lên lưới quốc gia được do vướng các thủ tục hành chính. Ông Hoà cho rằng, “trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước“.

Song, ông Hoà cũng cho biết, thời gian qua, phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã giải trình đã làm việc với chủ đầu tư, nhưng chưa thống nhất hết về mặt giá cả. Nhiều doanh nghiệp cũng đã nộp đơn và ngồi lên bàn đàm phán giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tôi kỳ vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ thực hiện được phương án huy động các nguồn điện để đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh“, ông Hoà nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, trao đổi với Lao Động, ông Trần Minh Tiến, đại diện chủ đầu tư dự án điện gió ở tỉnh Quảng Trị cho biết, doanh nghiệp dự án điện tái tạo gặp nhiều khó khăn trong khâu thủ tục, pháp lý. Đó là lý do dẫn đến việc chậm trễ đấu nối công suất điện lên lưới.

Theo ông, thời gian qua, doanh nghiệp đã nhiều lần gửi công văn xin đấu nối công suất điện gió lên lưới quốc gia, nhưng vì vướng một số vấn đề về quy hoạch, nên doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện được điều này.

Sau khi lãnh đạo Chính phủ có công văn chỉ đạo gỡ khó cho các dự án điện gió, chúng tôi sẽ gửi hồ sơ dự án ngay lập tức.

Hiện nay, chúng tôi đang rất cần tiền để giải toả, vì đầu tư vào dự án ngót nghét 300 triệu USD, mà đến giờ chưa có doanh thu, mỗi tháng lãi suất rất lớn.

Do vậy, tâm lý của nhà đầu tư luôn mong muốn làm sao nhanh nhất có thể vận hành được dự án“, ông Tiến nói và cho biết, chuyện nhà đầu tư có đồng ý giá 50% giá trần và được quyết toán sau khi có giá chính thức hay không?, “chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Chỉ cần bây giờ cho phép chúng tôi tổ chức đấu nối là được“.

Nhóm PV

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: “Thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác