Dù bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay khi vào đất liền, nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, tại nhiều địa phương vẫn có mưa lớn diện rộng và có tính cục bộ.
Ngay khi đi vào đất liền, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, tại nhiều địa phương vẫn có mưa lớn diện rộng và có tính cục bộ.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, tại địa phương không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra do bão số 2. Lượng mưa dao động trên địa bàn thành phố từ 50-150mm.
Trước đó, tàu cá HP 90571 TS bị mắc cạn và đây là trường hợp duy nhất bị nạn trong cơn bão số 2.
Cụ thể, hồi 20 giờ 15 ngày 2/7 tàu cá HP 90571 TS bị mắc nạn do chết máy ở cách cửa sông Thái Bình khoảng 14 hải lý về phía đông nam. Đến 6 giờ ngày 3/7, sự cố đã được khắc phục.
Đến 9 giờ ngày 4/7, khoảng hơn 3.000 phương tiện với hơn 15.000 lao động đang ở nơi trú ẩn đã sẵn sàng trở lại khai thác, nuôi trồng thủy sản bình thường khi có thông báo của cơ quan chức năng.
Dự kiến, đến 12 giờ ngày 4/7, lệnh cấm biển sẽ được gỡ bỏ.
Tại tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn tối 3/7 đã gây sập một phần cầu Yên Hòa tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia làm hai người chết, hai người bị thương khi tham gia giao thông vào sáng 4/7.
Bên cạnh đó, tại Hồ Đồng Chùa, mực nước cao hơn 50-70% so với dung tích thiết kế do mưa lớn cục bộ vào đêm 3/7. Tuy nhiên, do được xử lý kịp thời nên vào sáng 4/7, mực nước đã rút xuống dưới dung tích thiết kế của hồ khoảng 40%.
Tại Quảng Ninh, đến chiều tối 3/7 vẫn còn 1.640 khách du lịch kẹt lại trên đảo Cô Tô, các lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động và đưa được một nửa lượng khách vào bờ.
Đại tá Phạm Xuân Diệu, đại diện cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Biên phòng, cho biết tính đến 6 giờ sáng 4/7, Bộ đội biên phòng đã thông báo, hướng dẫn di chuyển, tránh trú đảm bảo an toàn cho 56.714 tàu cá với 231.113 người; 484 tàu du lịch; 344 tàu vận tải với 1.141 người; 15 tàu nước ngoài; 8.838 lồng bè, lều, chòi canh với 10.750 người.
Theo Vụ Quản lý đê điều, đê biển, đê cửa sông, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 43 vị trí xung yếu (27 đoạn đê/43,83 km), 16 cống dưới đê, 6 công trình tưới tiêu dưới đê đang thi công.
Hầu hết mực nước tại các hồ chứa thủy điện đang ở mức thấp. Các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ ở mức 25-80% dung tích, các hồ chứa ở Thanh Hóa, Nghệ An đã tích thêm được 10-30% dung tích và hiện vẫn đảm bảo an toàn; riêng hồ Đồng Chùa ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa (1,88 triệu m3) đầy nước và đã xả tràn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, dù bão đã suy yếu nhưng các đơn vị liên quan và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bão số 2 vẫn cần sẵn sàng chủ động ứng phó khi mưa lớn và cục bộ xảy ra, đề phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh, thành phố trong phạm vi ảnh hưởng bão số 2 chủ động các tình huống ứng phó, kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, chú ý việc tiêu úng, vận hành thử nghiệm đối với vùng tiêu úng lớn./.